Các công ty chứng khoán làm ăn ra sao trong năm qua?
(DNTO) - Kết thúc năm 2023, thị trường chứng khoán phục hồi hơn 12% so với giai đoạn đầu năm; thanh khoản dù chưa có nhiều nổi bật nhưng có sự cải thiện dần qua các quý. Theo đó, các công ty chứng khoán cũng ghi nhận một bức tranh kinh doanh nhiều dấu ấn.
Mảng môi giới "đuối sức"
Mảng môi giới vốn từng đóng góp lớn cho lợi nhuận các công ty chứng khoán, tuy nhiên năm nay, doanh thu từ mảng này không nhiều nổi bật.
Tại VND, quý 4 năm nay, mảng này mang lại hơn 216 tỷ đồng doanh thu, tăng khoảng 5% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí cho hoạt động này lại khá lớn khi lên tới 194 tỷ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ. Cho cả năm 2023, doanh thu của hoạt động môi giới giảm 30% so với năm 2022, trong khi chi phí lại khá lớn khiến lợi nhuận từ mảng này thu hẹp mạnh với VND.
Tại các công ty chứng khoán khác cũng không mấy khác biệt. TCBS ghi nhận doanh thu môi giới trong quý 4 giảm từ 141 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái xuống còn 136 tỷ đồng, trong khi đó, chi phí cho hoạt động lại tăng lên từ 25 tỷ đồng cùng kỳ lên 62 tỷ đồng. Theo đó, tính chung trong năm 2023, lợi nhuận mảng môi giới của TBCS chỉ còn khoảng 40% của năm 2022.
Biên lợi nhuận mảng môi giới đang ngày một đuối sức, cho thấy sức cạnh tranh mảng này trên thị trường khá lớn khi nhiều công ty cùng tham gia. Xu hướng giảm phí giao dịch hay việc tăng chi hoa hồng cho bộ phận kinh doanh đang được nhiều công ty thực hiên trong mục tiêu tìm đến nguồn khách hàng mới khiến hoạt động môi giới không còn là đóng góp nhiều cho lợi nhuận của họ.
Dư nợ margin tiếp tục "được mùa"
Tính chung trong năm 2023, tổng dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán (chủ yếu cho vay margin) đã mở rộng so với đầu năm. Thống kê từ VietstockFinance với 61 công ty chứng khoán cho biết, tổng dư nợ cho vay của các công ty đã xấp xỉ 180 ngàn tỷ đồng, tăng 8% và 47% so với cuối quý 3 và so với đầu năm. Trong bối cảnh chỉ số VN-Index chỉ tăng hơn 10% trong năm thì những con số trên có thể nói khá ấn tượng.
Đơn cử như VPBankS, dư nợ cho vay so với cuối quý 3 tăng 55%, tương ứng tăng hơn 2,5 ngàn tỷ đồng và tăng hươn 10% so với giai đoạn đầu năm. MBS có dư nợ cho vay cuối năm hơn 9,2 ngàn tỷ đồng, tăng 41% so với cuối quý 3 và tăng trên 140% so với giai đoạn đầu năm, hay như tại HCM, số dư nợ cho vay đầu năm chỉ có 7,1 ngàn tỷ đồng nhưng cuối quý 4 đã lên hơn 12 ngàn tỷ đồng, tương ứng với các mức tăng 7% và 64%.
TBCS là cái tên sáng giá khi ghi nhận hơn 16 ngàn dư nợ cho vay thời điểm cuối năm, tăng 30% so với cuối quý 3 và tăng 76% so với đầu năm, vượt mặt các ông lớn trong ngành.
Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng trong quý 4, tăng trưởng margin của các công ty có sự chênh lệch như SSI giảm 1% so với cuối quý 3; trong khi đó VND giảm 13%; MiresAsset cũng giảm hơn 650 tỷ đồng, tương ứng giảm 4%. Điều này cũng phản ánh phần nào sự biến động của thị trường trong quý này.
Về tổng thể, việc tăng vốn điều lệ đã giúp các công ty chứng khoán có thêm nhiều dư địa cho vay, thúc đẩy hơn dòng vốn cho thị trường. Ngoài ra, sự phân hoá mức dư nợ margin đang cho thấy ưu thế dành nhiều cho các công ty có đủ nguồn lực hay có kênh khách hàng lớn.
Bức tranh lợi nhuận đa sắc
Nhiều công ty chứng khoán đã xuất hiện trong danh sách doanh nghiệp lãi nghìn tỷ trong năm 2023. Công ty TCBS ghi nhận hơn 3 ngàn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm nhẹ 1% so với năm 2023. Kế tiếp là VND với 2,4 ngàn tỷ đồng, tăng 44% so với năm ngoái. Ngoài ra có thể kể đến như VPBS, VIX với khoảng 1,2 ngàn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; VPS và HCM khoảng 1 ngàn tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, nhiều công ty vẫn ôm những khoản lỗ lớn. Công ty TVSI báo lỗ trước thuế thuế 394 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi 250 tỷ đồng; APF lỗ 172 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lỗ mạnh 562 tỷ đồng; chứng khoán CV cũng tăng mức lỗ từ 1 tỷ đồng lên 13 tỷ đồng.
Cũng không thể không nhắc đến những doanh nghiệp thoát lỗ ngoạn mục trong năm như APG, TVB, VDC, BMS...
Bước sang năm 2024, ngành chứng khoán tiếp tục là ngành có câu chuyện đầu tư riêng để nhà đầu tư theo đuổi. Mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục tạo điều kiện cho dòng tiền tìm đến kênh chứng khoán, hệ thống giao dịch KRX kỳ vọng giúp thanh khoản cải thiện; mục tiêu nâng hạng thị trường trong năm 2025 hay câu chuyện tăng vốn mạnh mẽ từ các công ty chứng khoán.
"Số tài khoản chứng khoán đang tăng nhanh nhưng hiện mới đạt khoảng hơn 7% dân số, đây là tỷ lệ rất thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, tỷ lệ này ở Đài Loan là 95%, Hàn Quốc là 76%, Mỹ là 56% và Trung Quốc cũng là 13%. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa tăng trưởng trong dài hạn", Agriseco nhận định.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/1, nhóm chứng khoán tiếp tục dẫn đầu mức tăng trưởng toàn thị trường khi có mức tăng trung bình 0,71%, trong khi VN-Index giảm nhẹ hơn 4,5 điểm, phe bán áp đảo khả năng nằm trong mục tiêu chốt lời chuẩn bị đón Tết của nhà đầu tư.