Bức tranh nhân sự dịp cuối năm sẽ có nhiều khởi sắc
(DNTO) - Đó là đánh giá của nhiều doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội dần trở lại quỹ đạo sau các tác động của dịch bệnh.
Nhu cầu tuyển dụng tăng vào quý cuối 2020
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình lao động và việc làm, trong quý III/2020, lực lượng lao động đã có dấu hiệu tăng trở lại. Đây là hệ quả của cuộc chiến không ngừng nghỉ trước dịch bệnh.
Trao đổi với chị K.O, trưởng bộ phận tuyển dụng của Công ty Relia Việt Nam, chuyên về tuyển dụng nhân sự. Chị cho biết từ sau khi tình hình dịch bệnh ổn định trở lại, các doanh nghiệp đã tăng nhu cầu tuyển dụng trở lại, gần tiệm cận với con số cùng kỳ. “Mọi người về cơ bản đã an tâm hơn về dịch bệnh, cộng với thời điểm cuối năm rất nhiều việc phải hoàn tất nên tình hình tuyển dụng tăng mạnh, nhất là trong các khối ngành cung cấp dịch vụ”.
Đồng quan điểm trên, chị Trần Nguyệt, chuyên viên tuyển dụng cho Công ty bất động sản G.W cho biết: “Cuối năm thường những vị trí lao động phổ thông, vận tải, bảo hiểm, bán hàng, tổng đài, lễ tân, nhu cầu tuyển dụng tăng cao, lượng ứng viên có nhu cầu ứng tuyển các vị trí này khá nhiều. Hầu hết các vị trí này không thiếu nhân sự”.
"Các vị trí hành chính, văn phòng nói chung ở cấp bậc nhân viên/chuyên viên nhu cầu tuyển dụng khá ít nhưng lượng ứng viên rất nhiều. Đợt vừa rồi, có nhiều trường ĐH/CĐ tại TP.HCM công nhận tốt nghiệp cho sinh viên, đa số các ứng viên mới ra trường ngành kinh tế đều có mong muốn làm việc ở các vị trí hành chính, văn phòng nhưng chưa có kinh nghiệm nên khó có cơ hội việc làm", chị Nguyệt cho biết.
Đây cũng là thời điểm cuối năm nên nhân sự hiện tại ở các vị trí ít có nhu cầu nhảy việc nên cũng ít công ty tuyển các vị trí này. Các cấp lãnh đạo, quản lý vẫn có nhu cầu chuyển đổi công việc mới nhưng ko nhiều, hầu hết họ vẫn đi phỏng vấn nhưng thời gian có thể bắt đầu công việc mới là giữa tháng 12 hoặc sau tết Nguyên Đán.
Thời điểm cuối năm giáp Tết, các việc làm thời vụ, bán thời gian vẫn tiếp tục tuyển người ồ ạt để chuẩn bị cho các thị trường lễ Tết, nhất là trong ngành bán lẻ. Các chuỗi siêu thị lớn như Lotte, Vincom, AEON... liên tục đăng tin tuyển nhân viên bán hàng, tiếp thị sản phẩm.
Lương thưởng là bài toán khó
Mặc dù nhu cầu tuyển dụng không thiếu nhưng các nhà tuyển dụng cho biết để tuyển được nhân viên chất lượng rất gian nan.
Anh Sơn là một kỹ sư xây dựng với hơn 10 năm kinh nghiệm trong các dự án lớn cho biết, anh nhận quyết định ngưng việc vì cắt giảm nhân sự mùa dịch khi vừa hoàn công một công trình tại TP.HCM. Đã hơn 3 tháng nay anh Sơn vẫn chưa tìm được việc làm mới phù hợp chỉ vì mức lương đề nghị quá thấp.
"Tôi cũng biết là khi chuyển công việc thì phải chấp nhận mức lương không như mong đợi, nhưng khi phỏng vấn ở các công ty mới thì được đề nghị mức lương rất thấp, có nơi chỉ bằng một nửa lương cũ. Lý do luôn là ảnh hưởng bởi dịch", anh Sơn chia sẻ.
Câu chuyện của anh Sơn cũng là tình hình chung của nhiều nhà tuyển dụng hiện nay khi phải tuyển người để đảm bảo tiến độ và khối lượng công việc cuối năm, nhưng quỹ lương lại hao hụt sau nhiều tháng đóng băng bởi dịch Covid-19.
Theo thống kê từ Talentnet, 6% các công ty đã thực hiện hoặc đang xem xét thực hiện giảm lương cơ bản để thích ứng với Covid-19, 14% tập đoàn đa quốc gia (MNCs) và 34% công ty địa phương bị đóng băng lương vào năm 2020. 6% MNCs và 3% công ty địa phương dự kiến sẽ tiếp tục đóng băng lương vào năm 2021. Tỷ lệ tăng lương năm 2020 là 7,6% đối với MNCs và 7,9% đối với công ty địa phương.
Chị Nguyệt, chuyên viên tuyển dụng cho biết, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh sẵn sàng chiêu mộ nhân lực từ các công ty đối thủ với mức lương hấp dẫn. Trên thực tế, có vô số sự cạnh tranh ngầm về nhân lực diễn ra.
Cũng theo thống kê này, Talentnet dự báo rằng bức tranh kinh tế và nhân sự sẽ khởi sắc vào quý IV/2020, điều khả quan là tỷ lệ doanh thu sẽ đạt 19% cho các doanh nghiệp liều lĩnh vào cuối năm.