Bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng
(DNTO) - Bữa ăn có vai trò vô cùng quan trọng và cần được đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng Herbalife sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách chăm sóc bản thân.
Những nhóm chất dinh dưỡng trong bữa ăn
Nhóm thức ăn cung cấp chất bột (đường): Ngũ cốc thường được làm thức ăn cơ bản như gạo, ngô, khoai, sắn, mì... Đây là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu trong bữa ăn.
Ngoài ra, ngũ cốc còn là nguồn cung cấp nhiều vitamin nhóm B, nhất là vitamin B1. Vitamin B1 thường nằm ở lớp vỏ ngoài của hạt gạo, nếu gạo xay sát quá kỹ sẽ làm vitamin này giảm đi đáng kể.
Nhóm cung cấp chất đạm: Cung cấp các acid amin cần thiết mà cơ thể người không tự tổng hợp được. Các chất đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa...) thường có đủ các acid amin cần thiết ở tỷ lệ cân đối. Ngoài ra, các thức ăn thực vật như đậu đỗ, vừng, lạc cũng là nguồn cung cấp chất đạm quan trọng cho cơ thể.
Nhóm thức ăn cung cấp chất béo: Bao gồm dầu ăn, mỡ, lạc, vừng... là nguồn cung cấp năng lượng và các acid béo cần thiết cho cơ thể. Nên ăn cả dầu và mỡ.
Nhóm thức ăn cung cấp vitamin và chất khoáng: Bao gồm rau xanh và quả chín. Đây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất chủ yếu cho cơ thể. Các loại rau, quả có màu vàng, đỏ có nhiều tiền chất vitamin A, các loại rau có màu xanh đậm như rau ngót, rau muống, rau dền, rau đay có nhiều vitamin C, sắt và canxi.
Nên và không nên?
Rau quả: Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên ăn ít nhất 400g rau, quả mỗi ngày, có tác dụng phòng chống các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như các bệnh tim mạch, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng.
Trẻ em cũng cần được tập cho ăn rau với cách chế biến phù hợp. Những người thừa cân, béo phì, rối loạn đường huyết, đái tháo đường nên lưu ý hạn chế các loại quả chín ngọt và nhiều năng lượng như chuối, xoài, mít, vải…
Muối: Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ cao huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ung thư dạ dày, loãng xương, sỏi thận…
Hiện nay nhu cầu muối được khuyến nghị là 5g muối/ngày. Bạn nên uống đủ nước sạch hàng ngày (trung bình khoảng 1,5-2 lít) để có cơ thể khỏe mạnh, nhất là trong những ngày nắng nóng. Cần hạn chế và không lạm dụng rượu, bia.
Thức ăn sẵn: Các thực phẩm, món ăn chế biến sẵn với nhiều dầu, mỡ, đường, muối như các món ăn nhanh với khoai tây chiên, gà rán, pizza, sandwich…, nước ngọt có ga và không có ga, các loại bánh kẹo, xúc xích, thịt xông khói, giò, chả, bim bim… Các thực phẩm này ẩn chứa nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe (như béo phì, tăng huyết áp, rối lọan đường huyết, các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư...) nếu tiêu thụ thường xuyên.
Mọi thực phẩm đều có những lợi ích và cả những tác dụng bất lợi, nhất là khi sử dụng quá nhiều. Do đó nên sử dụng hợp lý và đa dạng các loại thực phẩm trong từng món ăn và từng bữa ăn để có chế độ ăn hợp lý giàu dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe.
Xây dựng bữa ăn như thế nào cho hợp lý?
Chế đồ ăn uống hợp lý sẽ giúp bạn có sức khỏe tốt. Thông thường một ngày khẩu phần ăn được chia làm 3 bữa sáng, trưa, tối, như vậy khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn được diễn ra tốt hơn.
Bữa sáng: Bữa sáng thường được coi là bữa ăn chính và quan trọng nhất trong ngày. Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bữa sáng cần đảm bảo cung cấp đầy đủ bột mì (bánh mì, cơm, phở...), chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa...), chất béo (bơ, dầu ăn...), vitamin và muối khoáng (rau, củ, quả...). Quan trọng nhất là bổ sung chất đạm, vì nó giúp cung cấp một lượng acid amin cần thiết, đặc biệt làm cho não bộ linh hoạt, mạnh khỏe.
Bữa trưa: Bữa trưa nên cung cấp đủ tinh bột, chất xơ, chất đạm. Bạn nên thường xuyên bổ sung cá vào khẩu phần ăn, bởi cá cung cấp nhiều dưỡng chất rất tốt cho cơ thể. Rau củ quả luôn là thực phẩm không thể thiếu.
Bữa tối: Bạn không nên ăn quá nhiều vào bữa tối, nên ăn đủ no và đúng giờ. Khi ăn bữa tối quá nhiều sẽ dẫn đến áp suất trong dạ dày tăng cao, dạ dày phải làm việc quá sức và năng lượng thừa rất dễ bị tích trữ lại, dẫn đến bệnh béo phì.
Ngoài ba bữa ăn chính trên bạn nên ăn thêm bữa phụ bằng cách uống 1 ly sinh tố mỗi ngày, sẽ rất tốt cho sức khỏe. Nên nhớ rằng, chế độ ăn hợp lý phải đi đôi với chế độ sinh hoạt hợp lý, như vậy mới đảm bảo sức khỏe.
Một bữa ăn cân đối cần có đủ 4 nhóm thực phẩm là: nhóm bột đường (chủ yếu từ ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả).