Bộ Tài chính: Sự cố VNDirect bị tin tặc tấn công không ảnh hưởng quá lớn đến thị trường chung
(DNTO) - Thông tin về vụ việc VNDirect bị tin tặc tấn công gần đây, tại buổi họp báo chiều 29/3, Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng đây là sự cố đáng tiếc, tuy nhiên không ảnh hưởng quá lớn tới thị trường. Song cũng là “hồi chuông” báo động về an ninh mạng với các công ty chứng khoán, tổ chức tài chính.
Tính đến sáng nay (29/3), các khách hàng của Chứng khoán VNDirect đã bị ngưng giao dịch 5 ngày liên tiếp. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đã tạm thời ngắt kết nối với VNDirect, nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống giao dịch của toàn thị trường và sẽ chỉ xem xét kết nối lại với VNDirect khi sự cố hiện nay được hoàn toàn khắc phục.
Thông tin về vụ việc này, chiều 29/3, Bộ Tài chính đã tổ chức Họp báo thường kỳ quý 1/2024 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi.
Tại buổi họp, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhận định đây là sự cố đáng tiếc bởi bị hacker chuyên nghiệp tấn công.
Ông Sơn cho biết, hiện tại VNDirect đã hoàn thiện cơ bản 4 bước, gồm: Hệ thống tra cứu được trạng thái và thông tin tài khoản của khách hàng trên My Account; mở lại hệ thống giao dịch tiền, giao dịch chứng khoán cơ sở và phái sinh trên cơ sở thông sàn với Sở giao dịch; các sản phẩm tài chính khác đi vào hoạt động trở lại và toàn bộ các tính năng khác. Dự kiến ngày 1/4/2024 hệ thống sẽ hoạt động bình thường.
Lãnh đạo UBCKNN cũng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố, UBCKNN đã yêu cầu VNDirect khẩn trương khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng. Đồng thời, UBCKNN cũng yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện ngay các nội dung nhằm đảm bảo sự hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt của thị trường chứng khoán.
Phó Chủ tịch UBCKNN nhấn mạnh: "Vấn đề bảo mật luôn được UBCKNN đặt cao, mọi sự cố xảy ra đều có phương án xử lý. Như VNDirect, doanh nghiệp này đã đầu tư từ 200 - 300 tỷ đồng vào hệ thống bảo mật, an toàn, an ninh mạng. Khi sự cố xảy ra, các công ty chứng khoán đã đồng sức, cử chuyên gia đến VNDirect cùng phối hợp xử lý. Cơ quan công an cũng đã vào cuộc điều tra, làm rõ".
Tại họp báo, thông tin về tiến độ xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo, ông Phạm Hồng Sơn cho biết: Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành chủ động, phối hợp triển khai công tác nghiên cứu, làm rõ bản chất, khái niệm của tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo và kinh nghiệm quốc tế nhằm đề xuất phương án quản lý, xử lý thích hợp với các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo.
Theo ông Sơn, sau khi thống nhất bản chất, khái niệm của tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo, các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho sản phẩm này (nếu có).
Dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế, ông Sơn cho hay, các nước đang có các cách tiếp cận khác nhau đối với hoạt động này. Việc nghiên cứu, đề xuất phương thức quản lý hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nguồn nhân lực, thời gian.
Ngoài ra, việc đề xuất phương án quản lý đối với tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo cũng đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng khả năng quản lý, giám sát của cơ quan quản lý tại Việt Nam do các sản phẩm này chỉ tồn tại trên môi trường kỹ thuật số. Công tác quản lý, giám sát các hoạt động liên quan cũng đòi hỏi một hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, trình độ cao.
Trong giai đoạn này, các bộ, ngành đã cảnh báo về rủi ro liên quan đến các hoạt động đầu tư vào tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo, khuyến cáo các nhà đầu tư thận trọng khi tham gia đầu tư các sản phẩm này...
Tại họp báo, ttrả lời câu hỏi của báo chí về những diễn biến mới trong công tác thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm, bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, cho biết năm 2023, Cục đã tiến hành thanh tra 5 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ). Đến nay, công tác thanh tra đã hoàn thành.
Phó Cục trưởng Phạm Thu Phương cũng thông tin, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã thực hiện công bố công khai kết luận thanh tra 1 doanh nghiệp là Công ty Bảo hiểm Dai-ichi từ tháng 2/2024 trên cổng thông tin điện tử của Cục.
Ngoài công khai trên cổng thông tin, theo bà Phương, quy định về thanh tra còn có thể lựa chọn 1 trong 3 hình thức, trong đó có hình thức công khai tại cuộc họp với với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền, đại diện Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Qua thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm, bà Phương cho hay, các sai phạm chủ yếu liên quan đến việc ban hành quy chế, quy trình giám sát đại lý bảo hiểm chưa tuân thủ đúng quy định; công tác quản lý và sử dụng đại lý bảo hiểm còn sai phạm; công tác hạch toán, kế hoán còn sơ suất.
Vì thế, về xử phạt, theo Phó Cục trưởng Phạm Thu Phương, các hành vi sai phạm đã được Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm rà soát kỹ, xử phạt các vi phạm hành chính. Với những sai phạm liên quan đến xử lý thuế thì Cục đã phối hợp với cơ quan Thuế để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện.
"Bộ Tài chính sẽ thanh tra hết các công ty bảo hiểm, chấn chỉnh kịp thời sai phạm, giải quyết quyền lợi cho người tham gia trong thời gian tới", bà Phương nói.