Bộ Tài chính đề xuất thu phí đường bộ từ 1.000 đến 1.500 đồng/km
(DNTO) - Bộ Tài chính vừa đề xuất chính sách thu phí đường bộ đối với người dân, doanh nghiệp sử dụng cao tốc do Nhà nước đầu tư, mức thu có thể từ 1.000 đến 1.500 đồng/km. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, không nên thu, hoặc thu với mức thấp, không thu tại cao tốc độc đạo,tránh phí chồng phí.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, nhu cầu vốn cho đầu tư đường cao tốc rất lớn, trong 10 năm tới cần gần 600 nghìn tỷ đồng. Suất đầu tư cao tốc cao, khoảng 130 tỷ đồng/km với cao tốc 4 làn xe, và 190 tỷ đồng/km với đường 6 làn xe. Chi phí bảo trì cũng rất tốn kém, với khoảng 830 triệu đồng/km/năm.
Riêng tiền bảo trì, hằng năm ngân sách chỉ đáp ứng được 35-40% nhu cầu tối thiểu. Trong khi đó, lợi ích kinh tế do cao tốc mang lại rất lớn, bình quân, xe đi trên cao tốc tiết kiệm 2.518 đồng/km/xe (dưới 12 chỗ ngồi) so với đi đường bộ thông thường.
“Nếu phải nộp phí khoảng 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn, chủ phương tiện vẫn hưởng lợi khoảng 1.500 đồng/km khi đi trên cao tốc. Do đó, có thể thu phí cao tốc đầu tư công với mức phí từ 1.000 đến 1.500 đồng/km/xe (mức phí cụ thể tính theo vốn đầu tư từng dự án và thời gian thu phí). Hiện tại, các tuyến cao tốc đầu tư công đang khai thác dài 196km, nếu thu phí với mức 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn, hằng năm ngân sách thu được khoảng 2.142 tỷ đồng. Do các phương tiện ô tô đang nộp phí bảo trì đường bộ hằng năm vào mỗi lần đăng kiểm xe nên Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thu phí theo Luật Giá, để tránh “phí chồng phí”, Bộ Tài chính tính toán.
Trên thực tế, từ năm 2019 tới nay, sau khi đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương dừng thu phí, đơn vị quản lý tuyến đường nhiều lần kiến nghị Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ cho thu phí trở lại. Tuyến cao tốc này có vốn đầu tư hơn 9.884 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2014-2018, quyền thu phí được bán cho Công ty Yên Khánh, thu về ngân sách 2.000 tỷ đồng. Khi hết hợp đồng trên, hoạt động thu phí trên tuyến cao tốc này dừng cho tới nay.
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ, đơn vị quản lý cao tốc TPHCM - Trung Lương) cho biết: Sau khi dừng thu phí, phương tiện qua cao tốc tăng hơn 30% và đã quá tải. Mỗi dịp cuối tuần, lễ tết, cao tốc lại ùn tắc. Do 10 năm chưa được đại tu, giờ cần khoảng 370 tỷ đồng để sửa chữa toàn bộ mặt đường, nhưng năm 2020 Quỹ Bảo trì đường bộ chỉ bố trí được 30 tỷ đồng. “Không thu phí, chúng tôi phải bố trí người ở các vị trí ra vào tuyến cao tốc để ngăn xe máy, kiểm soát xe quá tải, nhưng vẫn không thể ngăn triệt để được. Nếu được thu phí lại sẽ có nguồn cho bảo trì, vừa kiểm soát phương tiện tốt hơn, giảm nguy cơ tai nạn”, ông Thành nói.
Liên quan đề xuất thu phí của Bộ Tài chính, nhiều người dân cũng đang thắc mắc, hiện tại doanh nghiệp và người dân lưu hành xe đã phải nộp các khoản phí bảo trì đường bộ, thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu. Liệu việc thu phí này có đảm bảo hài hòa lợi ích?
Trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đang phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng để án, trước mắt là thu phí để hoàn vốn với các đoạn cao tốc Bắc - Nam đầu tư công, sau đó sẽ đưa vào Luật Giao thông đường bộ để thu phí với các tuyến cao tốc khác.
“Hiện tại, vấn đề thu phí cao tốc đầu tư công vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Trên thế giới có nước thu có nước không. Ở ta, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, chỉ thu phí bảo trì đường bộ, toàn bộ đường đầu tư công không thu phí. Tuy nhiên, đường cao tốc chất lượng cao, người sử dụng tiết kiệm thời gian, xe tiết kiệm nhiên liệu, giảm hao mòn phương tiện, nên ai đi thì phải trả phí, để thu hồi vốn cho nhà nước đầu tư dự án khác. Nếu chủ phương tiện không đi cao tốc có thể đi Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh”, ông Đông nói.
Về lo ngại “phí chồng phí”, ông Đông cho rằng, hiện nay phí bảo trì đường bộ thu để bảo trì toàn bộ hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, xã… hằng ngày, phương tiện vẫn sử dụng. Với cao tốc, ai sử dụng mới trả phí cho từng đoạn đi thực tế, sẽ không phải trả phí nếu đi các tuyến quốc lộ khác, nên không phải “phí chồng phí”.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) bày tỏ sự không đồng thuận khi thu thêm phí với cao tốc đầu tư công. Do ngân sách cũng là tiền thuế của người dân đóng góp, giờ thu thêm phí sẽ tác động tới tích lũy của người dân, doanh nghiệp, làm tăng chi phí lưu thông hàng hóa. Trong khi chi phí logistics của Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực. Nhà nước đầu tư cao tốc để tăng lưu thông, giảm chi phí vận tải, nay lại thu phí là đi ngược quan điểm đầu tư cao tốc. Chưa kể, tất cả ô tô dù cá nhân hay kinh doanh đều phải đóng phí bảo trì đường bộ hằng năm, do đó, thu tiếp sẽ dẫn tới “phí chồng phí”.
“Không phải vì ngân sách nhà nước khó khăn mà tăng thu, nguyên tắc cơ chế tài chính là phải nuôi dưỡng nguồn thu. Nên việc thu phí đối với đối tượng sử dụng cao tốc cần xem xét cẩn trọng”. PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.