Bình Dương đẩy mạnh hợp tác với châu Âu về công nghệ sản xuất xanh
(DNTO) - Ngày 22 và 23/3, tại thành phố mới Bình Dương (tỉnh Bình Dương) diễn ra Ngày Công nghiệp EU kết nối Công nghệ Xanh, bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Từ ví dụ thực tiễn sinh động
Sự kiện Ngày Công nghiệp EU kết nối Công nghệ Xanh diễn ra trong hai ngày 22 và 23/3 với đại diện Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Dương, Trung tâm Thương mại thế giới TP mới Bình Dương (WTC Thành phố mới Bình Dương) - đơn vị tổ chức và điều phối trong chương trình này cùng với Dự án E-READI cùng hợp tác mong muốn hướng tới mục tiêu thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ và sản xuất xanh trong khu vực sản xuất năng động, nơi tập trung các khu công nghiệp ngày càng hiện đại và chuyên nghiệp tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Chương trình hội thảo tiến hành gặp gỡ các đại diện chính sách hàng đầu của Ủy ban châu Âu, Việt Nam, tỉnh Bình Dương và các nước láng giềng ASEAN để tìm hiểu về các chiến lược cho tăng trưởng Xanh. Người tham dự nghe các ví dụ thực tiễn tốt nhất về các nhà sáng tạo Xanh thành công, chiến lược mới của châu Âu về Tăng trưởng Xanh và về các cơ hội đổi mới vượt ra ngoài biên giới trong hợp tác dựa trên Công nghệ Xanh toàn ASEAN.
Chủ đề “Sản xuất bền vững của châu Âu tại Việt Nam” được chủ trì bởi ông Alexander Goetz – Công ty Fischer Asia. Chủ đề “Sản xuất bền vững từ A-Z: Thực hành tốt nhất, động lực và thực tế” trao đổi từ ông Tom Schneider. Ví dụ thực hành: Vật liệu đóng gói và các bộ phận nhựa được sản xuất từ nhựa tái chế của Pandan Ltd và ví dụ thực hành: “Nhiên liệu thay thể từ chất thải” của Bảo vệ môi trường Palota. Hiện trạng và những thách thức của Sản xuất bền vững được đặt ra bởi Giáo sư Tan Beng Hee Reginald, Giám đốc Điều hành Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật, Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (A * STAR), Singapore và Giáo sư Kỹ thuật Hóa học và Phân tử, Đại học Quốc gia Singapore.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Phó Giám Đốc, Trung tâm Phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh về vấn đề phát triển bền vững của ngành sản xuất Việt Nam - thách thức và nhu cầu về công nghệ. Ví dụ thực tiễn Việt Nam: Xây dựng năng lực và thị trường nhựa phân hủy sinh học thếnào được ông Antony Taing, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH RKW Việt Nam phân tích. Đưa công nghệ sản xuất bền vững đến ASEAN – một ví dụ thực tế được ông Ông Guru Mallikarjuna, Giám đốc điều hành Bosch Việt Nam dẫn chứng sinh động.
Chìa khoá phát triển bền vững
Các chuyên gia cùng khẳng định nền tảng Công nghệ Xanh là chìa khóa cho sự phát triển bền vững, ứng dụng trong các sản phẩm mới, dịch vụ và quy trình sản xuất bền vững, rất cần thiết để có thể đạt được hiệu quả tăng trưởng Xanh. Sự kết hợp giữa cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội với tiềm năng để đóng góp vào sự phát triển bền vững, cải thiện môi trường, giảm thiểu khí thải nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tạo cơ sở đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Với lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam và các quốc gia Thành viên ASEAN khác, Công nghệ xanh thể hiện tầm quan trọng đặc biệt, vì chúng là cơ sở để có thể ứng dụng tốt nhất các nguồn tài nguyên và năng lượng, bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của người lao động, người dùng và xã hội, giảm thải mật độ CO2, các loại khí và khí thải khác của Nhà Xanh, đồng thời tạo ra các công việc mới và tăng trưởng kinh tế cũng như lợi ích cho ngành công nghiệp, DNVVN, cộng đồng, nền kinh tế và xã hội.
Đây là mục tiêu tiếp theo được lãnh đạo tỉnh Bình Dương đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 trong việc định hình Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương. Bình Dương cũng là địa phương duy nhất của Việt Nam lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh trong danh sách 21 địa phương có chiến lược phát triển TP thông minh tiêu biểu trên thế giới của Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Toàn cầu (ICF), khẳng định hướng phát triển TP thông minh Bình Dương là đúng đắn, hiệu quả và phù hợp với xu thế của thời đại.
Theo TS.Nguyễn Việt Long - Q.Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Dương, cơ sở hạ tầng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thu hút công nghệ sản xuất vào Việt Nam, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Châu Âu.
“Ở đây, cơ sở hạ tầng không chỉ là hạ tầng giao thông mà còn là nguồn nhân lực. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nền tảng kết nối là điều tất yếu để dẫn đến việc nâng tầm cho cả chuỗi cung ứng và sản xuất. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò là người đại diện, tạo cơ chế khuyến khích ứng dụng và tăng cường kết nối “Ba nhà” (nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà trường), với định hướng lấy doanh nghiệp làm trọng tâm và chú trọng vào xây dựng nguồn nhân lực” – ông Long nói.
“Vấn đề thứ hai trong việc phát triển công nghệ tại Việt Nam là phải tạo được động lực để doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng trong việc đổi mới. Mà hệ thống cơ sở hạ tầng lại chính là phương tiện để thu hút doanh nghiệp nước ngoài, cập nhật công nghệ mới, để doanh nghiệp trong nước nỗ lực cải thiện, xanh hóa với mục tiêu đạt tiêu chuẩn thế giới và trở thành nhà cung ứng. WTC Thành phố mới Bình Dương cũng là một trong những ví dụ trong việc tạo ra động lực thúc đẩy, với vai trò tạo cơ hội tiếp cận công nghệ và kết nối chuỗi cung ứng, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo mang tầm khu vực” – Ông Long nhấn mạnh.
Trong buổi hội nghị, Giáo sư Tang Beng Hee Reginald - Giám đốc Điều hành Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật đã phát biểu Bình Dương hứa hẹn sẽ là điểm đến tiếp theo cho việc chuyển giao Công nghệ sản xuất xanh.
Kết thúc buổi hội nghị, ông Songsivilai - Chánh văn phòng Bộ Giáo dục, khoa học, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo Thái Lan phát biểu “Rất vui vì quí vị đã tổ chức một hội nghị hiệu quả về phát triển bền vững. Tôi tin rằng chúng ta có thể đạt được mục tiêu đã đề ra thông qua hợp tác và phát triển giữa các bên”. Ông Hans Farnhammer, Trưởng ban hợp tác, Phái đoàn Châu Âu tại Indonesia, Brunei, Darussalam và ASEAN nhấn mạnh sản xuất xanh là cốt lõi cho phát triển bền vững và cũng hy vọng chương trình lần này sẽ là nền tảng cho các sự kiện tiếp theo.