Bên nhau không có nghĩa gần nhau
(DNTO) - Trở thành F0 không phải là điều lo sợ lớn nhất của Hùng trong lúc này. Anh đang bị bủa vây bởi nỗi ám ảnh khác. Ngoài kia, Trân vẫn đang lăng xăng với mớ thịt thà, rau củ với các đơn đặt hàng cho sáng mai.
Giống như bao cửa hàng kinh doanh khác, chuỗi shop quần áo của Trân tạm thời đóng cửa vì giãn cách. Hai tuần, rồi hai tuần nữa, tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng, không biết đến lúc nào mới trở lại bình thường, trong khi tình hình lương thực, thực phẩm đang là vấn đề nan giải của người dân. Vốn là người nhạy bén, năng động, từ bán quần áo thời trang, Trân chuyển sang buôn thịt cá, rau củ bằng hình thức online, giao hàng tận nhà.
Dịch bệnh không ai mong muốn, giãn cách không thể đi làm, mất thu nhập ai cũng lo lắng, nhưng sự thể đã như vậy, Hùng - chồng Trân, cũng muốn nhân cơ hội cửa hàng tạm nghỉ, Trân ở nhà rỗi rãi, anh và nàng sẽ có thời gian gần gũi, hâm nóng tình cảm vợ chồng vốn ngày thường do bận rộn mà ít gắn bó. Anh thấy được an ủi.
Không ngờ, Trân không chịu ngồi yên. Buôn bán online còn bận bịu hơn việc quản lý các shop quần áo. Bất kể đêm ngày, sáng tối, nàng tất bật nhập hàng, nhận đơn, lên đơn, giao hàng… Hai cái điện thoại suốt ngày réo liên tục chỉ chực cháy máy.
Hùng ngao ngán, lại không thể bỏ ra ngoài la cà cùng bè bạn, anh suốt ngày nhấm nhẳng, bóng gió, làm mình làm mẩy, có cả “đình công bãi thị”… Trân biết hết nhưng giả đò cho qua. Tuy vậy, nhiều đêm không ngủ được, Trân suy nghĩ mông lung.
Vừa hết cấp ba, Trân nghỉ học. Cô khởi nghiệp bằng một sạp bán quần áo ngoài chợ. Chỉ mấy năm sau, Trân đã là bà chủ của một shop thời trang và sau đó là chuỗi cửa hàng ở những địa điểm khác nhau trong thành phố. Đây cũng là thời điểm chị và Hùng kết hôn. Họ về sống chung nhau trong căn hộ có sẵn mà Trân đang ở.
Do thu nhập hàng tháng của Trân dư sức trang trải mọi chi phí cho cuộc sống cá nhân và gia đình, nên chị không hề quan tâm đến vấn đề thu nhập của Hùng. Chị cũng ít can thiệp vào thói quen sinh hoạt hay quan hệ bạn bè của chồng vì công việc kinh doanh đã ngốn hết thời gian của Trân. Điều đó khiến Hùng nhận ra giữa một anh chàng độc thân và một người đàn ông có vợ không có gì khác biệt lắm.
Đến một lúc Hùng nhận ra, việc anh đi sớm về trễ không hề làm Trân bận tâm, đừng nói chi đến chuyện cằn nhằn, tra hỏi, vì cô suốt ngày bận chạy qua chạy lại các cửa hàng. Trân còn sắm chìa khóa riêng cho Hùng để cả hai thuận tiện đi, về. Chừng đó, Hùng mới chợt giật mình tự hỏi, ngoài lòng tin mà Trân dành cho anh thì còn là cái gì?
Hùng bắt đầu nhận ra hình như cuộc sống của vợ chồng anh lỏng lẻo, mờ nhạt quá. Trong khi mấy tay đồng nghiệp lúc nào cũng than thở bị vợ kiểm soát chặt chẽ tiền lương, giờ giấc sinh hoạt, quan hệ bạn bè, kiểm tra tin nhắn điện thoại… thì Hùng lại ao ước được như vậy.
Nhiều lúc anh đâm hoài nghi về tình yêu Trân dành cho anh. Cảm giác bị bỏ rơi, cảm giác trong lòng Trân, anh không có ý nghĩa, giá trị gì… làm Hùng thấy bất an. Có lần, anh mạnh dạn đem suy nghĩ này bày tỏ với vợ. Trân cho rằng, khi cưới chị, Hùng đã biết rất rõ nghề nghiệp, tính chất công việc của chị, biết thời gian Trân dành cho công việc kinh doanh là như thế nào. Đây không phải là công việc phát sinh sau hôn nhân. Nên việc anh bắt chị thay đổi là vô lý. Nếu anh muốn có một người vợ chỉ cần ở nhà làm nội trợ hoặc làm việc theo giờ hành chính, thì nên nhắm vào đối tượng phù hợp chứ không nên cưới chị. Lý lẽ của Trân làm Hùng đuối lý nhưng anh không hề hết băn khoăn.
May mà Trân cũng không phải là người cố chấp. Sau khi suy tính, chị đề nghị Hùng nghỉ việc cùng tập trung vào công việc kinh doanh với chị. Trân nghĩ như thế vợ chồng sẽ có nhiều cơ hội ở bên nhau và cùng chia sẻ được nhiều thứ.
Nhưng Hùng lại nghĩ khác, anh muốn Trân sắp xếp lại công việc kinh doanh, chỉ tập trung vào 1 - 2 cửa hàng có doanh thu cao nhất. Rồi còn phải sinh con nữa không thì sẽ muộn. Trân phản đối việc sinh con trong thời gian này. Đã nhiều lần họ tranh cãi, thậm chí rất quyết liệt. Cuối cùng người nhượng bộ là Hùng.
Nhưng thực tế không hề đơn giản. Hùng không quen với nếp sinh hoạt mới, không quen với sự tất bật, vất vả. Quan trọng hơn, anh không có tố chất và tư duy kinh doanh, không có khả năng quản lý. Nói chung, Hùng chỉ thích hợp làm anh công chức làng nhàng. Anh hoàn toàn không phù hợp với công việc kinh doanh, lại là loại hình thời trang.
Thế là, giống như “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, càng sửa càng sai. Đã có lúc hai người xung đột, nảy sinh ý nghĩ chia tay.
Bên ngoài xã hội, Trân được xem như một doanh nhân thành đạt. Công việc kinh doanh của chị ngày càng phất lên như diều gặp gió, thành quả ấy là mơ ước của rất nhiều người. Nhưng ít ai biết trong gia đình, Trân như một người đang chèo chống con thuyền hôn nhân của mình trong cơn giông bão. Mỗi sáng chị ra đường trong trang phục sang trọng, gương mặt điểm tô phấn son rạng rỡ nhưng lòng nặng trĩu tâm tư.
Đùng một cái, đại dịch tràn đến như một cơn lũ cuốn. Với Trân là cả một nỗi lo lắng oằn nặng. Với Hùng, anh lại thấy trong cái rủi có cái may. Ít nhất, vợ chồng anh sẽ có cơ hội bên nhau đúng nghĩa một tổ ấm, ấm từ bếp lửa sáng lên mỗi ngày, ấm từ gian phòng mang đầy hơi thở ái ân.
Nhưng sự thật không phải như vậy. Đã có lúc, trở thành F0 không phải là điều lo sợ lớn nhất của Hùng trong lúc này mà ly hôn mới là nỗi ám ảnh thật sự. Ngoài kia, Trân vẫn lăng xăng với mớ thịt thà, rau củ với những đơn đặt hàng cho sáng mai. Những con chữ nhảy múa trên màn hình máy tính mới là mối quan tâm của Trân trong lúc đêm ngày càng sâu thăm thẳm.