Bất động sản trước sức ép của cuộc đua tăng trưởng xanh: Cần 18.000 tỷ USD cho lộ trình khử carbon
(DNTO) - Đưa ra giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu "Net zero" bất động sản tại Việt Nam, theo chuyên gia, Chính phủ cần có các chương trình cho vay, nguồn vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp. Cùng với đó là các hỗ trợ về thuế, phí cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản xanh để khuyến khích họ...
80% công ty được khảo sát có kế hoạch cam kết ESG trong vòng 2-4 năm tới
Chia sẻ tại Hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh”, ngày 4/12, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết, số lượng các ngân hàng tham gia tín dụng xanh và dư nợ tín dụng xanh từ 2017 tới nay tăng trưởng tích cực.
Cụ thể, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
“Ước tính gần đây của IFC cho rằng đầu tư cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, nguồn vốn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế đóng vai trò tạo đà cho phát triển thị trường. Nhưng mức cầu này cũng phụ thuộc vào độ hấp dẫn của tín dụng xanh”, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng nói.
Ông Võ Quốc Khánh, Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, Dịch vụ Tài chính Ngân hàng, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (Công ty EY Việt Nam) đánh giá, xu hướng quốc tế là tập trung nguồn lực cho các nước đang phát triển và chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Điều này cho thấy, các nguồn vốn quốc tế sẽ hướng về Việt Nam nếu chúng ta đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí xanh.
"Bất động sản đang là một trong những ngành có nhu cầu chuyển đổi xanh rất lớn, như trong hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị xanh... bởi lẽ bất động sản xanh ở Việt Nam mới chỉ đang trong giai đoạn khởi đầu. Hiện cả nước có hàng nghìn dự án nhưng bất động sản xanh chỉ chiếm số lượng rất nhỏ, rất khiêm tốn", ông Võ Quốc Khánh cho hay.
Với sức ép từ cuộc đua tăng trưởng GDP, cạnh tranh xúc tiến đầu tư, nhiều địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi sai mục đích nhiều loại đất để phát triển các dự án bất động sản. Trong khi đó, xu thế của hiện tại thì ngay chính các sản phẩm bất động sản lại đang được khuyến khích hướng đến xu thế xanh hóa và hình thành các đô thị thông minh.
Đồng thời nhấn mạnh, ngành bất động sản chiếm tới 40% lượng phát thải CO2. Với số lượng bất động sản rất lớn, quá trình đô thị hoá đang diễn ra mạnh mẽ, việc xây dựng, thiết kế, cải tạo các toà nhà để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững là yêu cầu bức thiết. Bất động sản xanh không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp.
Trước đó, tại Hội nghị các bên về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26, Việt Nam đã thể hiện các cam kết mạnh mẽ về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net zero) năm 2050. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng - bất động sản thay đổi, dịch chuyển cơ cấu và phát triển theo định hướng xanh, bền vững.
Báo cáo mới đây về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam của PwC nhấn mạnh rằng, 80% công ty được khảo sát có kế hoạch cam kết ESG trong vòng 2-4 năm tới. Các công ty FDI và doanh nghiệp tư nhân đang đi đầu trong việc thực hiện ESG. Điều này giúp thúc đẩy nhu cầu đang tăng vọt đối với các bất động sản đáp ứng tiêu chuẩn này.
Đến năm 2050 sẽ có 6,6 tỷ mét vuông bất động sản thương mại
Ước tính, có đến 80% các tòa nhà đang hoạt động sẽ còn tiếp tục vận hành đến năm 2050. Trong đó, ngành xây dựng phát thải đến 42% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. Theo Cushman & Wakefield, đến năm 2050 sẽ có 6,6 tỷ mét vuông bất động sản thương mại trên 143 quốc gia. Cơ hội lớn song để thực hiện là điều không hề đơn giản. Bởi lẽ, chi phí để khử carbon trên thị trường bất động sản toàn cầu ước tính vào khoảng 18 nghìn tỷ USD.
"Nặng nhất là vấn đề về tài chính. Việc phát triển các dự án bất động sản xanh đòi hỏi doanh nghiệp phải chi trả chi phí cao hơn nên để thuyết phục doanh nghiệp về chi phí cho các giải pháp xanh, thân thiện với môi trường đang là thách thức rất lớn", các chuyên gia nhìn nhận.
Đưa ra giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu "xanh hoá" bất động sản tại Việt Nam, ông Wong Wai Foo, Giám đốc Bộ phận tái tạo đô thị bền vững, Tập đoàn Keppel tại Việt Nam, cho rằng, cần sự vào cuộc của tất cả các doanh nghiệp và hỗ trợ từ Chính phủ.
"Để giải quyết vấn đề vốn trong đầu tư các dự án xanh, bên cạnh tiềm lực vốn có của chủ đầu tư, Chính phủ cần có các chương trình cho vay, nguồn vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp. Cùng với đó là các hỗ trợ về thuế, phí cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản xanh để khuyến khích họ", ông Wong cho hay.
Dẫn chứng kinh nghiệm tại Singapore, theo ông Wong, Cục Quản lý xây dựng Singapore đã cung cấp các chính sách hỗ trợ tài chính dành cho chủ đầu tư đã đáp ứng một số "tiêu chí xanh" nhất định. Trường hợp các chủ sở hữu chưa đủ nguồn lực để quan tâm đến việc giảm phát thải tốt hơn, nguồn vốn xanh trong lĩnh vực này sẽ giúp được họ.
Đặc biệt, vị chuyên gia chỉ rõ, so với việc xây mới, Việt Nam cần ưu tiên cải thiện các toà nhà hiện hữu theo xu hướng xanh, bởi đây là việc khó khăn hơn nhiều. Dự án cần thời gian để điều chỉnh, thay đổi thiết kế, ứng dụng yếu tố công nghệ để giảm tiêu hao năng lượng. "Tại Singapore, chúng tôi đã cải tạo thành công Keppel Bay Tower, tòa nhà 20 năm tuổi để trở thành dự án thương mại đầu tiên sử dụng năng lượng tái tạo để tự cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động của tòa nhà...".
"Chính phủ cần có chính sách khuyến khích như tặng một phần diện tích trong các khu đất, hoặc cung cấp thêm diện tích sử dụng, kéo dài thời gian sở hữu toà nhà. Việc cải tạo thành công sẽ giúp dự án phát triển theo hướng bền vững, hướng tới phát thải ròng bằng 0 năm 2050", vị chuyên gia nhận định.