Bất động sản nhà ở: Lãi suất huy động có thể tăng 30-50 điểm cơ bản trong năm 2022
(DNTO) - Theo nhóm phân tích của VNDirect, trong lĩnh vực bất động sản nhà ở, lãi suất huy động khó duy trì ở mức thấp lịch sử và có thể tăng 30-50 điểm cơ bản trong năm 2022.
Trong báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2022 mới phát hành, nhóm phân tích của VNDirect nhận định, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022 (hiện là 5,6%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm.
"Chúng tôi kỳ vọng lãi suất thế chấp cho vay mua nhà năm 2022 sẽ dao động trong khoảng 9,5-10,0%, thấp hơn so với mức trước đại dịch là 11-11,5%/năm. Do đó, chúng tôi kỳ vọng các giao dịch căn hộ sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là đối với phân khúc căn hộ trung cấp và bình dân, phân khúc được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nhu cầu của người mua ở thực", nhóm phân tích nêu.
Thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và tăng cường giám sát phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) giảm 4,7% so với cùng kỳ xuống 140.154 tỷ đồng trong 5 tháng năm 2022. Nguyên nhân là do Chính phủ yêu cầu cẩn trọng đối với thị trường TPDN khi rủi ro vi phạm ngày càng tăng trong các đợt phát hành và đấu giá quyền sử dụng đất. Theo nghiên cứu thị trường của VNDirect, TPDN bất động sản chiếm 26,6% lượng phát hành mới, đã giảm mạnh 31,7% so với cùng kỳ.
Để giảm thiểu rủi ro và tăng cường tính minh bạch của thị trường, Bộ Tài chính đã rà soát khung pháp lý với các yêu cầu chặt chẽ hơn đối với các tổ chức phát hành, đặc biệt là phát hành riêng lẻ. NHNN sẽ giám sát, kiểm tra các tổ chức tín dụng đầu tư vào TPDN, cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán, đầu tư, phân phối TPDN, đặc biệt là TPDN kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, kết quả kinh doanh âm, không có tài sản đảm bảo.
"Do đó, chúng tôi cho rằng việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản sẽ bị kiểm soát chặt chẽ trong vài quý tới", nhóm phân tích nhận định.
Bên cạnh đó, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng giám sát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và hạn chế tín dụng đối với đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản.
Theo Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ năm 2020 yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn xuống còn 34% từ tháng 10/2021 và 30% từ tháng 10/2022.
Cũng theo VNDirect, giá vật liệu xây dựng tăng có thể làm tăng giá nhà ở. Nhóm phân tích nhận thấy giá vật liệu xây dựng tăng mạnh như thép (tăng 20% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2022), xi măng (tăng 7-10% so với đầu năm), và đá xây dựng, do tác động của xung đột Nga-Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Thép chiếm 12-15% tổng chi phí xây dựng (dựa trên ước tính của ngành), điều này có thể làm tăng giá nhà ở nếu giá vật liệu vẫn ở mức cao như hiện nay.
"Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng giá vật liệu xây dựng có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2022-2023, do sự suygiảm của giá than cốc và than nhiệt, chiếm khoảng 30-40% chi phí sản xuất thép và xi măng. Chúng tôi kỳ vọng giá bán thép xây dựng sẽ giảm dần, giúp giảm áp lực lên tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp phát triển bất động sản cũng như giúp kìm hãm đà tăng của giá nhà", nhóm phân tích nhận định.