85% doanh nghiệp Việt lạc quan về triển vọng kinh doanh trong quý 3/2022
(DNTO) - Một cuộc khảo sát về triển vọng kinh doanh của Tổng cục Thống kê cho thấy, có tới 85% doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát cho rằng triển vọng kinh doanh trong quý 3/2022 sẽ bằng hoặc tốt hơn so với quý trước, trong khi chỉ có 15% cho rằng tình hình khó khăn hơn so với quý 2/2022.
Những số liệu này tốt hơn thống kê trong quý 2/2022, khi chỉ có 78,4% doanh nghiệp cho rằng kết quả kinh doanh quý 2/2022 bằng hoặc tốt hơn so với quý trước, trong khi 21,6% doanh nghiệp cho rằng môi trường kinh doanh quý 2/2022 khó khăn hơn quý trước.
Nhóm phân tích của VNDirect dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 11,0% so với cùng kỳ (+/-0,5%) trong quý 3/2022. Mức tăng trưởng cao này là do các yếu tố: Mức nền thấp trong quý 3/2021 với GDP của Việt Nam giảm 6,0% so với cùng kỳ; do tác động của giãn cách xã hội, ngành dịch vụ và ngành công nghiệp và xây dựng giảm lần lượt 8,6% so với cùng kỳ và 5,5% so với cùng kỳ trong quý 3/2021.
Một yếu tố nữa là ngành dịch vụ sẽ là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nhờ du lịch trong nước tiếp tục phát triển mạnh; nhu cầu trong nước phục hồi nhờ thu nhập của người dân cao hơn và VAT giảm 2% (kéo dài đến hết năm 2022). Đặc biệt là Chính phủ thúc đẩy các gói hỗ trợ kinh tế, bao gồm gói bù lãi suất bổ sung 40.000 tỷ đồng, giải ngân gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỷ đồng.
"Đầu tiên, chúng tôi cho rằng giải ngân vốn đầu tư công sẽ thuận lợi hơn trong 6 tháng cuối năm do giá một số vật liệu xây dựng như sắt thép đã hạ nhiệt trong thời gian gần đây. Yếu tố này sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận cho các nhà thầu xây dựng, từ đó đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Thứ hai, việc triển khai gói bù lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm một phần chi phí tài chính, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và mở rộng hoạt động kinh doanh trong những quý tới...", nhóm phân tích nêu.
Ngoài ra, VNDirect cũng duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 là 7,1% (+/- 0,3%). "Nhìn chung, Việt Nam vẫn sẽ là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022. Chúng tôi đưa ra các dự báo vĩ mô cho năm 2023 bao gồm tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 có thể chậm lại một chút xuống còn 6,9% so với cùng kỳ", nhóm phân tích nhận định.
Theo nhóm phân tích, triển vọng tăng trưởng thấp hơn là do các đối tác thương mại lớn của ViệtNam như Mỹ và châu Âu tăng trưởng kinh tế chậm lại, có thể làm giảm triển vọng xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, lạm phát cao hơn có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của tiêu dùng trong nước; lãi suất tăng làm tăng chi phí cũng như ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023, như nguồn vốn đầu tư công dồi dào, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vững chắc và lượng khách du lịch quốc tế trên đà phục hồi mạnh mẽ. Lạm phát có khả năng vẫn ở mức cao trong nửa đầu năm 2023 trước khi hạ nhiệt vào nửa cuối năm sau.
"Chúng tôi dự báo lạm phát trung bình năm 2023 ở mức 3,7%, cao hơn một chút so với dự báo lạm phát trung bình năm 2022 là 3,5%. Đặc biệt, việc tăng giá của nhóm ngành lương thực, thực phẩm sẽ là tác nhân chính đẩy lạm phát lên mức cao trong năm 2023", nhóm phân tích dự báo.
Năm 2023, chính sách tiền tệ có thể chuyển từ “hỗ trợ phục hồi kinh tế” sang “bình thường hóa”, theo đó NHNN có thể tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái. VNDirect kỳ vọng lãi suất tái cấp vốn sẽ đạt 5,0% vào năm 2023 (tăng 50 điểm cơ bản so với cuối năm 2022 và tăng 100 điểm cơ bản so với mức hiện tại).
Lãi suất huy động sẽ duy trì xu hướng tăng vào năm 2023 (với mức tăng bình quân khoảng 50 điểm cơ bản). Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể dao động bình quân ở mức 6,5-6,6% vào cuối năm 2023.
Về tỷ giá hối đoái, nhóm phân tích kỳ vọng VND sẽ tăng giá so với USD trong năm 2023 do lãi suất USD tăng chậm lại; lãi suất VND tăng, và bộ đệm vững chắc từ thặng dư thương mạivà cán cân thanh toàn.