47 tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng xanh gần 640.000 tỷ đồng, chiếm 4,5% dư nợ toàn nền kinh tế
(DNTO) - Hiện gần 90% các ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ ESG trong hoạt động, 47 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Cần có chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp, ngân hàng "rộng đường" triển khai ESG.
Chia sẻ tại tọa đàm về kết quả cấp tín dụng xanh, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến 31/3/2024 đã có 47 tổ chức tín dụng báo cáo phát sinh dư nợ tín dụng xanh đạt gần 640.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,6% tổng dư nợ nền kinh tế. 34 tổ chức tín dụng báo cáo đã thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội với dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường xã hội đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm gần 21% tổng dư nợ nền kinh tế.
Số dự án/khách hàng đã cấp tín dụng được thực hiện quản lý rủi ro môi trường đạt 110.371 dự án/khách hàng. Dư nợ được quản lý rủi ro về môi trường đạt 991.378 tỷ đồng.
Nhấn mạnh những khó khăn khi thực hành ESG, TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ, Phó trưởng ban chỉ đạo ESG Agribank chỉ rõ, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu, khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng…
"Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn, điều này gây khó cho các TCTD trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định. Vấn đề nữa là khách hàng có tài sản bảo đảm không và nếu không có tài sản bảo đảm thì liệu ngân hàng có duyệt cho vay không…”, bà Hà đặt câu hỏi.
Dẫn chứng cụ thể tại Agribank, bà Hà thông tin, tín dụng xanh đã có mức tăng trưởng tới 350% so với năm 2018. Tuy nhiên, thời gian gần đây tốc độ tăng trưởng không được như mong muốn bởi tiêu chí cho vay xanh và danh mục xanh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường chưa được ban hành. Bên cạnh đó, việc lựa chọn khách hàng "xanh" cũng gặp khó khăn, vướng mắc.
"Agribank dành gói 50.000 tỷ đồng từ 2017 đến nay với lãi suất giảm 0,5% - 1,5%, nhưng dư nợ không cao vì chuyển đổi xanh của khách hàng gặp nhiều khó khăn", bà Hà nói.
Cũng theo bà Hà, nguồn vốn hiện nay cho vay xanh của ngân hàng là nguồn vốn thương mại thông thường, huy động từ dân cư và không có nguồn vốn tài trợ nào từ các tổ chức quốc tế hay Chính phủ để cho vay hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đây cũng là khó khăn đối với các tổ chức cho vay.
"Agribank đề xuất Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành danh mục tín dụng xanh, tiêu chí xanh để doanh nghiệp và bản thân ngân hàng dễ dàng lựa chọn các dự án cũng như các doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Hai là, cần có chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp, ngân hàng triển khai ESG", bà Hà nói.
Theo nghiên cứu của Tổ chức DARA International, Việt Nam là quốc gia có thể chịu tổn thất khoảng 15 tỷ USD/năm do biến đổi khí hậu, tương đương khoảng 5% GDP. Để tránh tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, Việt Nam đã thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đến năm 2050 sẽ đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thực hành ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) là một yêu cầu bắt buộc.