30 ‘ông lớn’ thực phẩm Nhật Bản sẽ sang Việt Nam tìm bạn hàng
(DNTO) - Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết sẽ đưa 30 doanh nghiệp mua hàng từ Nhật Bản sang Việt Nam tham dự Vietnam Food Expo 2022, từ ngày 16-19/11 tới.
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho hay, trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2022 (Vietnam Food Expo 2022) tại TP.HCM tới đây, sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn Nhật Bản sang Việt Nam tìm kiếm bạn hàng.
Vietnam Food Expo 2022 quy tụ trên 500 gian hàng của gần 400 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh thành của Việt Nam và gần 20 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tại đây, các doanh nghiệp lớn chuyên nhập khẩu và phân phối hàng nông thủy sản thực phẩm Việt Nam tại Nhật Bản như Senkyu, Lieutou, Ribeto Shoji, JV Solutions, Betohasu…, cùng với các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản gồm JVI, Hoang Duc JSC, Motiti Trading, Daisei, Japan Apple LLC… đang có nhu cầu tìm kiếm đối tác, sản phẩm phù hợp từ Việt Nam.
Theo kế hoạch dự kiến, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tham quan các gian hàng và sản phẩm được trưng bày tại Triển lãm. Bên cạnh đó, đoàn sẽ tham quan, khảo sát một số nhà máy sản xuất chế biến thực phẩm, tham gia các chương trình giao thương với các doanh nghiệp Việt nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam, cũng như thiết lập đại lý bán hàng tại Việt Nam.
“Đây là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu tìm kiếm đối tác Nhật Bản vì các doanh nghiệp tại Nhật Bản có thể hướng dẫn các quy trình, thủ tục nhập khẩu hàng hóa cho phù hợp với quy định của cơ quan quản lý Nhật Bản. Hàng nông thủy sản, thực phẩm Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục thâm nhập và mở rộng thị phần và quảng bá tại Nhật Bản”, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản nhấn mạnh.
Cũng theo Thương vụ, Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Nước này đang có nhu cầu nhập khẩu nhiều cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt và những sản phẩm từ thịt, cà phê, đậu nành, rau quả tươi, sản phẩm từ ngũ cốc…
Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá có thế mạnh về những mặt hàng trên và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản sang Nhật Bản trong 9 tháng đầu năm đạt 1,68 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thủy sản (1,27 tỷ USD, tăng 33%), cà phê (hơn 215 triệu USD, tăng 27,7%), rau quả (gần 128 triệu USD, tăng 6,3%), hạt tiêu (hơn 15 triệu USD, tăng 116%)...
Đặc biệt, xuất nhập khẩu nông thủy sản giữa hai bên được hưởng lợi từ các ưu đãi cắt giảm thuế quan ở mức độ sâu cũng như các quy tắc xuất xứ mới trong các như CPTPP hay RCEP. Trong các FTA này, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan hoàn toàn cho đại đa số các sản phẩm nông thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, đem đến cơ hội lớn ngành hàng thế mạnh của Việt Nam mà từ trước đến nay vẫn đối mặt với sự bảo hộ cao của Nhật Bản.
Theo Thương vụ, người tiêu dùng Nhật Bản luôn đề cao tiêu chí “Anzen” (An toàn) và “Anshin” (An tâm) trong lựa chọn các mặt hàng nông thủy sản, thực phẩm. Trong bối cảnh biến động tỷ giá, giá cả thực phẩm trong nước trở nên đắt đỏ hơn, nhiều siêu thị Nhật Bản cũng hướng tới nhập khẩu các mặt hàng nông thủy sản, thực phẩm chất lượng tốt, giá hợp lý từ Việt Nam như cá tra, tôm, thịt gà, thanh long, chuối, xoài và các sản phẩm đông lạnh khác.
Ngoài ra, hàng nông thủy sản, thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam cũng được tiêu thụ tốt trong những năm gần đây nhằm phục vụ kiều bào đang gia tăng (gần 500.000 người trong năm 2021, xếp thứ 2 về số lượng người nước ngoài tại Nhật Bản).