13 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân 0% trong 3 tháng đầu năm 2023
(DNTO) - Tính đến hết quý 1, tổng số giải ngân của 17 bộ, cơ quan chỉ đạt 0,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước (10,35%). Trong đó, có 13 bộ, cơ quan Trung ương tỷ lệ giải ngân 0%, 4 bộ, cơ quan Trung ương đã giải ngân nhưng đều dưới 2% kế hoạch giao.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp của Tổ công tác số 01 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngày 13/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng, tiến độ giải ngân "rất chậm, tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí có cơ quan chưa giải ngân".
Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao cho 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 01 là trên 38,319 nghìn tỷ đồng, dự kiến bố trí cho 22 nhiệm vụ và 80 dự án (trong đó 34 dự án chuyển tiếp và 46 dự án khởi công mới). Đến nay, 17 bộ, cơ quan Trung ương đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án trên 34,942 nghìn tỷ đồng, đạt 91,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch là gần 3,4 nghìn tỷ đồng của 8 bộ, cơ quan.
Tổng số giải ngân của 17 bộ, cơ quan chỉ đạt 0,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước (10,35%). Trong đó, có 13 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân (tỷ lệ giải ngân 0%), 4 bộ, cơ quan Trung ương đã giải ngân nhưng đều dưới 2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Bày tỏ chưa hài lòng trước thực tế hết quý I/2023, tiến độ giải ngân của các bộ ngành, cơ quan trung ương thuộc Tổ công tác số 1 vô cùng ì ạch, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, đại diện các bộ ngành, cơ quan phải trao đổi thẳng thắn, nêu rõ khó khăn, vướng mắc ở chỗ nào, khâu nào, để làm rõ trách nhiệm và có giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, nguyên nhân chính của việc giải ngân chậm tại 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương là do công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, dẫn đến phân bổ vốn chưa xong, tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp. Ông đề nghị các bộ ngành phải đặc biệt lưu ý vấn đề này để rút kinh nghiệm.
Một nguyên nhân nữa là do việc thực hiện thủ tục hành chính của các chủ thể; sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương chưa tốt dẫn tới vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; còn có lãnh đạo bộ ngành chưa quan tâm một cách đầy đủ, xem đây là một nhiệm vụ quan trọng để góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước...
"Vốn đã có mà không giải ngân được thì dòng tiền, thanh khoản của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng. Nếu để "tích tiểu thành đại", đọng vốn nhiều sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế và chính sách tài khóa, tiền tệ", Phó Thủ nhấn mạnh và tướng lưu ý, các bộ, ngành cần chủ động rà soát trên tinh thần những dự án khó triển khai thì có thể điều chuyển vốn trong nội bộ...