Xuất khẩu nông sản 7 tháng đầu năm: Gỗ, thủy sản giảm mạnh nhất
(DNTO) - Là các ngành chịu tác động mạnh từ biến động thị trường và kinh tế thế giới, 7 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu của nhóm thủy sản, lâm sản, đầu vào sản xuất lại giảm tới hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông sản tháng 7/2023 ước đạt 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nhóm nông sản chính đạt 2,32 tỷ USD, tăng 27%. Chăn nuôi đạt 45 triệu USD, tăng 35,6%. Đặc biệt, xuất khẩu rau quả cả nước đạt gần 240 triệu USD, ước cả tháng 7/2023 khoảng 475,5 triệu USD, tăng 90,7% so với cùng kỳ. Như vậy, rau quả là mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất của ngành nông, lâm, thủy sản. Nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, ngược chiều tăng, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 800 triệu USD, giảm 15%. Trong đó, hai mặt hàng xuất chính là tôm và cá tra đều thấp hơn so với cùng kỳ. Đề cập về những khó khăn, thách thức hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết, các doanh nghiêph thủy sản đều xác định đây là khoảng thời gian xem xét, rà soát lại chi phí sản xuất, giữ ổn định số lượng lao động và thu nhập cho người lao động, không mở rộng đầu tư.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thủy sản, nỗi lo lớn nhất của họ hiện nay là chi phí đầu vào cao, giá bán thấp, nông dân và doanh nghiệp nuôi bỏ ao. Như vậy, dẫn đến hệ lụy là khi thị trường hồi phục thì không còn nguyên liệu để chế biến nhập khẩu và một lần nữa thủy sản Việt lại mất vị thế trước các nước khác.
"Điều đáng nói là, so sánh mức giá thành sản xuất tôm giữa 3 đối thủ cạnh tranh là Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ cho thấy, giá thành tôm nuôi của Việt Nam (4,8 - 5 USD/kg) cao gấp đôi so với Ecuador (2,3 - 2,4 USD/kg) và hơn 30% so với tôm Ấn Độ (3,4 - 3,8 USD/kg). Điều này khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm gặp khó khăn, trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước giảm liên tục trong các tháng vừa qua, gây ra nhiều hệ lụy cho toàn ngành tôm", Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Minh Phú Lê Văn Quang cho hay.
Cùng đà giảm, xuất khẩu lâm sản đạt trên 6,42 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm trước. Với giá trị trên, xuất khẩu lâm sản đạt 36% kế hoạch đặt ra, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,96 tỷ USD, giảm 29%; lâm sản ngoài gỗ 455,7 triệu USD, giảm 26,2%.
Báo cáo phân tích của Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT cho thấy: Hiện Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ. Hai quốc gia đang có thị phần tại Mỹ ngang nhau, ở mức 31%. Dự báo các công ty ngành gỗ và sản phẩm gỗ có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao sẽ gặp khó khăn trong nửa cuối năm 2023. Thêm vào đó, thời gian qua, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản...., còn các thị trường tiềm năng khác vẫn đang bỏ ngỏ.
Trước khả năng mong manh phục hồi, hơn bao giờ hết, ngành lâm, thủy sản cần các cấp, ngành, các thành phần trong chuỗi cung ứng cùng chung tay thực hiện giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn của năm 2023 - 2024 này. Mới đây, tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp hướng đến tăng trưởng xanh”, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho hay: Để xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2023 đạt mốc 54 - 55 tỷ USD, yêu cầu các đơn vị kịp thời cập nhật chính sách nông nghiệp của các quốc gia nhập khẩu, đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng mới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu.
Thời cơ xuất khẩu nông sản đang khá thuận lợi, lâm sản, thủy sản được “trợ thở”. Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay đối với ngành lâm sản, thủy sản vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, sẽ góp phần đưa các ngành này vượt qua giai đoạn khó khăn…
“Các doanh nghiệp cần chủ động cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống và sẵn sàng nguồn cung khi thị trường hồi phục; điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu và cơ cấu sản phẩm. Cùng với đó, tận dụng hơn nữa ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do để giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Mặt khác, tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế, tham gia các chương trình giao thương B2B tìm kiếm đối tác, tăng đơn hàng”, Thứ trưởng Bộ Phùng Đức Tiến cho hay.