Vụ việc Quốc ca bị 'tắt tiếng': Hồi chuông cảnh báo về vấn đề bản quyền khi hội nhập
(DNTO) - Sự cố Quốc ca bị “tắt tiếng” trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam- Lào trong khuôn khổ giải AFF Cup mới đây đã khiến dư luận bức xúc. Điều này cho thấy lỗ hổng trong việc bảo vệ tác quyền khi hội nhập các nền tảng số.
Câu chuyện... được dự báo trước?
Tối 6/12, khán giả theo dõi trận Việt Nam - Lào tại giải AFF Cup 2020 trên nền tảng Youtube đã không nghe được đội tuyển nhà hát Quốc ca, với câu ghi chú chạy trên màn hình: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường. Mong quí vị thông cảm”.
Lẽ đương nhiên, các khán giả theo dõi trực tiếp qua màn hình của VTV thì điều này không xảy ra, tuy nhiên câu chuyện này ngay lập tức được chia sẻ trên mạng xã hội, khiến nhiều người phản ứng dữ dội. Nhiều khán giả phẫn nộ thâm chí đã cho rằng việc đánh bản quyền quốc ca "là một sự sỉ nhục" đối với cả nước.
Do trước đây, đơn vị VTV đã lên tiếng về việc đơn vị BH Media “nhận vơ” tài sản là bản "Quốc ca vốn được gia đình hiến tặng cho nhà nước từ năm 2016, nên doanh nghiệp này nhanh chóng hứng trọn cơn giận dữ của khán giả.
Trước tình hình này, đại diện của BH Media giải thích vấn đề trên truyền thông, cho rằng đơn vị này không nhận sở hữu bản quyền ca khúc "Tiến quân ca". BH Media được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác chỉ một bản ghi “Tiến quân ca” trên nền tảng số. Bản ghi này do Hồ Gươm Audio sản xuất. Trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Lào, dù không có đơn vị nào “đánh gậy” bản quyền, nhưng đơn vị tiếp sóng đã chủ động ngắt tiếng, để tránh mất doanh thu trên Youtube .
Thật ra, điều này vốn đã được dự báo trước khi hiện nay, việc hội nhập trên không gian mạng, vấn đề tác quyền của các tác giả trong nước đã lộ ra nhiều kẽ hở. Không chỉ riêng bản "Quốc ca", nhiều ca khúc của các nhạc sĩ đã gặp phải sự cố dở khóc dở cười, khi tài sản của mình đã bị người khác xác định chủ quyền, nhất là trên nền tảng Youtube. Dù Quốc ca của Việt Nam đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng tác phẩm cho Nhà nước, nhưng là hiến tặng phần "nhạc và lời".
Bên cạnh đó có rất nhiều đơn vị sản xuất bản ghi "Tiến quân ca", cả trong nước và ngoài nước hiện đã xác nhận chủ quyền với Youtube. Nếu không tôn trọng bản quyền, chủ kênh sẽ bị phạt, hoặc mất tiền khi tiếp sóng toàn bộ bản ghi này.
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cho rằng: “Việc Quốc ca bị tắt trong trận Việt Nam gặp Lào, khiến dư luận bức xúc gần đây là vấn đề tất yếu của việc không tổ chức chặt chẽ, bài bản và liên thông, đồng bộ giữa các ban ngành với nhau. Nếu như Bộ Văn Hoá - Thể Thao & Du lịch là nơi quản lý bản ghi Quốc ca chính thống, VFF hay bất cứ ngành nào, khi có nhu cầu sử dụng Quốc ca khi ra đấu trường quốc tế, đều phải do Bộ VH-TT& DL cung cấp bản ghi chính thống, thì không có chuyện vừa qua.
Từ chỗ không có một thông tin rạch ròi và rõ ràng bản ghi âm nào là chính thống, do Bộ VH-TT & DL cung cấp, và bản thu nào là của tư nhân sản xuất, nên khi phát sóng trực tiếp, các doanh nghiệp quá "sợ hãi" bị gậy bản quyền, nên thôi tắt luôn cho an toàn. Chính nỗi sợ " mất tiền" làm họ quên bẵng đi điều này làm tổn thương công chúng, lòng tự hào dân tộc và hạ thấp chính họ...”.
Lời cảnh báo muộn màng!
Trước đó, một số nhạc sĩ lên tiếng về việc bị BH Media ‘đánh gậy” bản quyền “những đứa con tinh thần” do chính họ sinh ra, trên Youtube, khiến không ít người bức xúc. Nhạc sĩ Giáng Son bày tỏ, vẫn không thể nào chấp nhận ca khúc “Giấc mơ trưa” của chị, bỗng nhiên có người nhận trước chủ quyền, đến mức chị không thể đưa lên kênh cá nhân của mình.
Hay gần đây, nhạc sĩ Xuân Nghĩa cũng cho biết, một số ca khúc do anh sáng tác như "Đến với con người Việt Nam tôi", "Mãi là người thanh niên Việt Nam"...., không chỉ bị BH Media mà còn có cả một vài đơn vị nước ngoài “ đánh gậy” bản quyền.
Cũng tình trạng này, một số nhạc sĩ khác cũng đã không khỏi “chới với”, khi một ngày bỗng nhiên phát hiện ra nhiều ca khúc của mình, với các bản ghi khác nhau, đã có người nhận chính chủ trên không gian mạng
Theo tìm hiểu của một số nhạc sĩ, điều này xảy ra xuất phát từ khâu xác định bản quyền đang hiệu lực trên một số nền tảng trực tuyến, nhất là với Youtube. Theo Youtube, có hai loại bản quyền chính: Bản ghi âm là nội dung ghi lại âm thanh thực, kể cả được thực hiện trong nhà để xe hay phòng thu âm. Loại bản quyền này có thể do nghệ sĩ biểu diễn và nhà sản xuất âm nhạc hoặc kỹ sư thu âm cùng sở hữu.
Thứ hai là bản sáng tác nhạc là nội dung bao gồm bản nhạc và lời bài hát, có thể được viết trên giấy hay được ghi lại bằng thiết bị điện tử. Loại bản quyền này có thể thuộc về một hoặc nhiều nghệ sĩ soạn nhạc và nghệ sĩ viết lời.
Do đó, cho đến hiện tại nhiều nhạc sĩ đã ý thức uỷ quyền Trung Tâm bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam bảo vệ bản quyền bản sáng tác nhạc, nhưng với bản quyền bản ghi âm, các đơn vị sản xuất hoặc đối tác sản xuất bản ghi được uỷ quyền khai thác trên nền tảng Youtube, vẫn còn nhiều điều chưa được cập nhật
Nhạc sĩ Xuân Nghĩa chia sẻ, thực tế có tình trạng các đơn vị sản xuất băng đĩa đã bán hầu hết các bản ghi âm mà họ từng sản xuất cho một đối tác khai thác trên không gian trực tuyến, trong đó có cả những sản phẩm họ không đầu tư mà chỉ làm gia công, nên dẫn đến việc nhiều ca sĩ, nhạc sĩ bỏ tiền đầu tư, đã mất quyền khai thác này...
“Chưa kể có tình trạng, đối tác ủy quyền khai thác khi làm việc với Youtube bảo vệ chỉ một đoạn nhạc như đoạn Intro, Giang tấu…, trong bài hát. Chỉ cần úp ca khúc lên gặp đoạn đó là bị Youtube cảnh báo về tác quyền ngay.
Tôi đã bị một đơn vị nước ngoài làm điều này với trường hợp bài "Mãi là người thanh niên Việt Nam", mà họ chưa bao giờ làm việc với tôi. Cho đến nay, việc khiếu nại làm việc trở lại vẫn gặp nhiều khó khăn, khi gửi hàng chục mail mà họ vẫn không phản hồi", nhạc sĩ Xuân Nghĩa cho biết.
Thế nên, việc các bản ghi âm bị đánh gậy bản quyền trên Youtube cũng như các nền tảng khác trên không gian mạng hiện nay là chuyện có thật. Trường hợp “Quốc ca” bị ngắt tiếng vốn đã dự báo trước trong bối cảnh hội nhập thế giới phẳng hiện nay..., theo nhạc sĩ Hoài An, đó cũng chính là lời cảnh báo muộn màng, khi chúng ta tham gia hội nhập trên không gian mạng nhưng chưa nắm bắt được tất cả các vấn đề phát sinh.
Riêng với câu chuyện "Quốc ca", theo quan điểm của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: “Một bản nhạc Pop bình thường hiện nay, khi phát hành trên các nền tảng như itunes hay Spotify... thì cũng phải chú trọng tất cả các khâu liên quan tới chất lượng âm nhạc như: hoà âm phối khí, thu âm và mastering sao cho đạt chuẩn quốc tế.
Hầu hết các ca sĩ đều gởi ra nước ngoài để làm hậu kì, sao cho khi phát hành trên các nền tảng số không bị lép so với thế giới. Vậy còn "Quốc ca" thì sao? Tôi nghĩ nó phải gấp ngàn lần như vậy, về mức độ kĩ lưỡng về âm thanh, hòa âm phối khí, chuyển soạn cho dàn đại hợp xướng, dàn nhạc giao hưởng sao cho các yếu tố về mặt học thuật như: hoà thanh, phối khí đạt sự chuẩn mực nhất của thể loại này.
Tôi đã tìm nghe bản "Quốc ca" trên cổng thông tin chính phủ. Đây là bản chính thức cho tới lúc này. Tôi nghĩ là nó được ghi âm khá lâu rồi. Nếu dùng để phát trên các đấu trường quốc tế chắc chắn không thể đáp ứng những điều tôi nói ở trên”.
Dù Bộ VHTTDL đã công bố hướng xử lý không để tình trạng tái diễn, nhưng nhiều khán giả cũng đã lên tiếng trên các trang mạng xã hội, yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có tổ chức bản ghi âm mới đúng với tính chất Quốc ca cùng cách sử dụng bản ghi trong nhiều nghi lễ lớn cần thiết. .