Vingroup rót gần 450 triệu USD ra nước ngoài
(DNTO) - Trọng điểm đợt đẩy mạnh đầu tư vốn ra thị trường nước ngoài này của Vingroup là điều chỉnh vốn đầu tư dự án tại Mỹ thêm 300 triệu USD.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam đã tăng mạnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm thời gian qua đã đạt 545,9 triệu USD, gấp gần 8 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, 18 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 142,8 triệu USD, cũng tăng gần 3 lần so với cùng kỳ và 9 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn tăng thêm 403,2 triệu USD, tăng gấp 25 lần.
Đáng chú ý, số vốn đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tại thị trường nước ngoài tăng mạnh giai đoạn vừa qua chủ yếu đến từ các các doanh nghiệp tư nhân lớn, đặc biệt là Vingroup với các dự án tại Mỹ và châu Âu.
Trong tháng 3, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có 3 dự án đầu tư mới sang Pháp, Hà Lan và Canada với 32 triệu USD mỗi dự án. Ngoài ra, tập đoàn này còn đầu tư mới một dự án có tổng vốn 20,5 triệu USD tại Singapore với mục tiêu kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị viễn thông, điện tử, đồ gia dụng, ôtô.
Đặc biệt, Vingroup đã điều chỉnh nâng vốn đầu tư tại thị trường Mỹ thêm 300 triệu USD trong quý I và tăng vốn một dự án của VinFast tại thị trường Đức thêm 32 triệu USD.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của Vingroup đã vào khoảng 448,5 triệu USD, trong đó gần 70% là vào thị trường Mỹ để thực hiện mục tiêu bán xe điện VinFast tại Mỹ.
Ngoài Vingroup, một số doanh nghiệp Việt có dự án đầu tư nước ngoài từ đầu năm 2021 đến nay là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel); Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk); Công ty TNHH Phần mềm FPT; Công ty CP Nhựa An Phát Xanh; Ngân hàng Vietcombank; Công ty CP Công nghệ Mobifone Toàn Cầu…
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư trong nước đã đầu tư ra nước ngoài tập trung vào 10 lĩnh vực, bao gồm 8 dự án mới và 2 lượt điều chỉnh vốn ở lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 270,8 triệu USD.
Theo sau là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư 147,8 triệu USD; và các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ cũng gia tăng.
Với khoản điều chỉnh vốn tăng thêm 300 triệu USD của Vingroup tại thị trường Mỹ, đây cũng trở thành quốc gia dẫn đầu trong số 15 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của các doanh nghiệp tại Việt Nam từ đầu năm.
Hiện số vốn đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng thêm của Việt Nam vào Mỹ là 302,3 triệu USD, chiếm 55,4% tổng vốn đầu tư.
Xếp thứ 2 theo danh sách quốc gia và vùng lãnh thổ nhận vốn đầu tư từ Việt Nam là Campuchia với 89,1 triệu USD, chiếm 16,3%. Tiếp theo là Pháp, Canada, Đức, Hà Lan với vốn đầu tư đều đạt 32 triệu USD.