Vẫn chuyện doanh nghiệp khóc ròng, ngân hàng lãi khủng
(DNTO) - Nghịch cảnh doanh nghiệp khóc ròng, ngân hàng lãi khủng vừa thêm một lần nữa được “mổ xẻ” tại phiên họp toàn thể cuối cùng của Ủy ban Kinh tế khóa XIV.
Hai mảng màu đối lập
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 20/7 tới, những khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp sẽ được đặt lên bàn nghị sự.
Để chuẩn bị cho nội dung này, trong tháng 6, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, thẩm tra sơ bộ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, sau đó tiến hành thẩm tra toàn thể về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021.
Liên tục được nhắc tới như hai mảng màu đối lập là tình hình “sức khỏe” của khối doanh nghiệp và khối ngân hàng thương mại.
Trong báo cáo của Chính phủ, tình hình chung của doanh nghiệp không mấy lạc quan, khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 23%. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trong phiên thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh: “Có tín hiệu khiến chúng tôi bất ngờ là doanh nghiệp lớn rút khỏi thị trường. Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra, chúng tôi cũng đang rất lo. Hiện Bộ trưởng (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - PV) đang yêu cầu tìm hiểu xem vấn đề là gì, nhưng có một nhận định chung là, sức khỏe của doanh nghiệp đang yếu. Họ bị Covid-19 ‘đánh’ cho tan hoang, mất nửa phổi rồi, thì không thở tiếp được, rất nhiều doanh nghiệp chắc đang ECMO”.
Trong khi đó, dù khối ngân hàng không được đề cập tình hình “sức khỏe” riêng tại báo cáo của Chính phủ, nhưng những con số đã được công bố cho thấy, tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) toàn hệ thống đến cuối năm 2020 ở mức 22,3%, chỉ giảm 0,1% so với năm 2019. Một số ngân hàng thương mại tăng ROE đáng kể là Techcombank, VIB, MSB. Những ngân hàng có tỷ lệ ROE cao trên 40% là Vietcombank, VIB, ACB, Agribank và TPBank.
Ba tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của toàn hệ thống tăng mạnh (57%) so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức 11% của 3 tháng đầu năm 2020. Khoảng 90% mức tăng lợi nhuận toàn hệ thống đến từ 10 ngân hàng theo thứ tự tăng mạnh nhất là BIDV, VietinBank, Agri-bank, MB, Techcombank, Vietcombank, VPBank, ACB, HDBank và MSB.
Ngân hàng lãi lớn sẽ bị điều tiết
Nhìn vào hai mảng màu đối lập trên, một số thành viên Ủy ban Kinh tế băn khoăn: cả năm 2019, 2020 và đầu năm 2021, một số ngân hàng lãi rất lớn, đặc biệt là Vietcombank, VietinBank, trong khi doanh nghiệp phá sản, nền kinh tế đang trì trệ, thì có phản cảm không? Chính sách tiền tệ có vấn đề hay không?
Đại biểu Hoàng Văn Cường, trong phiên họp ngày 24/6 của Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, vẫn có ý kiến về nghịch cảnh “doanh nghiệp khóc ròng, ngân hàng lãi khủng”.
Ông Cường cho rằng, hiện mức chênh giữa lãi suất huy động và cho vay còn lớn, khiến người ta cảm giác ngân hàng còn nguồn lãi tiềm năng. Nói rõ quan điểm không nên duy trì chính sách tiền vốn rẻ, hỗ trợ tràn lan, dễ xảy ra tình trạng dòng tiền chảy vào lĩnh vực không cần thiết, song theo đại biểu Cường, Chính phủ cần có tiêu chí để xác định hoạt động nào cần hỗ trợ, hỗ trợ mức độ nào, từ đó đưa ra tiêu chí hỗ trợ lãi suất.
“Tất nhiên, không thể ‘bắt’ các ngân hàng hỗ trợ, mà cần có chính sách để ngân hàng cũng mong muốn tìm các doanh nghiệp tiềm năng để hỗ trợ, như có thể hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng cần ưu tiên đặc biệt do Chính phủ phân loại và trừ vào nghĩa vụ nộp ngân sách”, ông Cường nêu quan điểm.
Cách làm này, theo ông Cường, cũng sẽ khiến ngân hàng mạnh dạn hỗ trợ doanh nghiệp và chính sách sẽ đi vào cuộc sống, chứ không như việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng thời gian qua.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết, ngay từ khi Covid-19 bắt đầu diễn ra, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp, đó là cách dùng hệ thống tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhưng, Phó thống đốc cũng thừa nhận, sau đợt dịch thứ tư này, khả năng chống chịu của doanh nghiệp đã cạn, tiềm lực tích lũy được bị dịch bệnh hơn 1 năm qua làm mai một, nay đã kiệt quệ. “Đây là vấn đề mà Chính phủ rất quan tâm và ngành ngân hàng cũng xác định thời gian tới, mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp vẫn là hàng đầu, phát huy hơn nữa vai trò của các ngân hàng thương mại nhà nước”, ông Tú thông tin.
Liên quan đến chênh lệch lãi suất huy động và cho vay còn lớn mà đại biểu Hoàng Văn Cường nêu, ông Tú lý giải, nếu nhìn đơn giản ở thời điểm hiện tại, có thể, quan sát này đúng, nhưng điều hành lãi suất là “vấn đề điều hành vĩ mô khó nhất”, vì nó là giá cả tiền tệ trong quan hệ tín dụng.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, một số nước đã ồ ạt hạ lãi suất, ra nhiều gói hỗ trợ để phục hồi sau đại dịch, “nới lỏng quá” và đang phải trả giá, lạm phát tăng, bất ổn vĩ mô, bất ổn của hệ thống các tổ chức tài chính xuất hiện. Việt Nam cũng đã có bài học, nên trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ tuyên bố thả nổi hay thắt chặt, mà luôn sử dụng từ “điều hành linh hoạt”. Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất 3 lần, tuy nhiên, mức độ thị trường Việt Nam chưa hoàn hảo, nên lãi suất điều hành cũng chưa thể như các nước.
Cũng theo Phó thống đốc, với cơ chế thị trường, các ngân hàng thương mại được quyền ấn định lãi suất, theo luật, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn có những giải pháp để kiểm soát. “Chúng tôi có nhiều biện pháp, kể cả cảnh báo. Chênh lệch lãi suất vừa qua nếu có cao, chúng tôi cho là vẫn chỉ ở một số doanh nghiệp”, Phó thống đốc nhìn nhận.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Ngân hàng Nhà nước, ngay cá nhân tôi, khi đi họp Chính phủ, tôi cũng nói là, phải siết rất chặt câu chuyện lợi nhuận của các ngân hàng. Đúng là năm ngoái, một số ngân hàng lãi lớn, nhưng năm nay sẽ bị điều tiết. Lợi nhuận quý I, quý II mới là tạm tính, cuối năm sòng phẳng ra, trích lập dự phòng rủi ro, nộp thuế, thì lợi nhuận sẽ không được như công bố”.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng, với số tiền 336.663 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 doanh nghiệp, với số tiền hơn 1,277 triệu tỷ đồng.
“Tổng số lãi đã giảm bằng tiền cho doanh nghiệp là 12.978 tỷ đồng. Từ đợt dịch thứ tư, chúng tôi chỉ đạo các ngân hàng, đặc biệt là 4 ngân hàng thương mại nhà nước, đã giảm sơ bộ đến nay hơn 3.524 tỷ đồng nữa. Nếu không giảm, thì doanh nghiệp sẽ phải trả số lãi này cho ngân hàng. Đây là con số rất thiết thực”, ông Tú khẳng định.