UBND TP.HCM chỉ đạo tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả
(DNTO) - UBND TP.HCM hôm qua, 16/8, đã có văn bản gửi các sở - ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về triển khai các giải pháp quản lý điều hành giá các tháng cuối năm 2022 tại TP.HCM
Theo đó, nhằm đảm bảo ổn định đời sống xã hội, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ - vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh để xảy ra các biến động bất thường về giá, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội - đối với hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, UBND TP.HCM đề nghị các sở, ngành và đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện các phương án đã phê duyệt tại Thông báo số 81 và Thông báo số 179 của Văn phòng Chính phủ.
Sở, ngành chủ trì, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ kê khai giá các mặt hàng theo thẩm quyền; thường xuyên theo dõi, kịp thời báo cáo UBND TP.HCM các trường hợp tăng giá bất hợp lý của các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá tại TP.HCM.
Cụ thể, UBND TP.HCM giao Sở Tài chính theo dõi diễn biến giá thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp.
Sở Công thương cần phải tăng cường theo dõi sát diễn biến cung cầu các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Ngoài ra, chủ trì phối hợp các sở ngành thực hiện các chương trình bình ổn thị trường, nhất là với các mặt hàng lương thực thực phẩm.
Song song đó, Sở Công thương phối hợp cùng Sở Tài chính phân tích, dự báo thông tin thị trường, tham mưu kịp thời cho UBND TP.HCM các giải pháp cân đối cung cầu thị trường, quản lý, điều hành giá.
Riêng Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
UBND TP.HCM giao Sở Giao thông vận tải theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu; tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc tăng giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá.
Một nhiệm vụ nữa của Sở Giao thông vận tải là kiểm tra, giám sát việc chấp hành niêm yết giá và thu vé đúng giá niêm yết của các đơn vị kinh doanh vận tải.
Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá theo thẩm quyền; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý; công khai kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Trong văn bản này, UBND TP.HCM cũng yêu cầu TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát và có biện pháp xử lý đối với các điểm bán hàng tự phát xung quanh các chợ truyền thống, các chợ đầu mối và khu dân cư.
Trước đó, Bộ Tài chính có công văn gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp đề nghị tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá. Bộ này yêu cầu các bộ, ngành địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong trường hợp cần thiết, các sở, ban ngành có thể căn cứ vào thẩm quyền và điều kiện thực tế để trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định thực hiện Chương trình bình ổn thị trường tại địa phương hoặc tham mưu trình cấp có thẩm quyền bổ sung hàng hóa, dịch vụ vào danh mục bình ổn giá.
Theo ghi nhận thực tế, sau những đợt giảm giá xăng liên tục, hiện nay giá một số mặt hàng tiêu dùng tại một số chợ ở TP.HCM giảm nhẹ, khoảng 2-5%.
Đơn cử, các loại rau như bắp cải, cải ngồng, rau muống, rau má giảm 1.000-3.000 đồng/kg tùy loại, tương ứng khoảng 20.000-30.000 đồng/kg; trứng vịt gà giảm 1.000-2.000 đồng/chục tùy chợ, tương ứng 30.000-36.000 đồng/chục tùy loại...