Tương lai thị trường chứng khoán Việt Nam: Cơ hội lớn hơn thách thức
(DNTO) - Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam luôn song hành cơ hội và thách thức. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cơ hội sẽ thắng thế.
VN-Index tăng điểm 6 tháng đầu năm có bất thường?
Tại Tọa đàm “Thị trường chứng khoán và dự báo” diễn ra chiều nay, 28/6, phân tích về thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021, bà Tạ Thanh Bình cho rằng sự tăng điểm này trong bối cảnh đại dịch là khá bất ngờ. Tuy nhiên, sự tăng điểm không chỉ diễn ra trên thị trường Việt Nam, mà hầu hết các thị trường trên thế giới đều tăng điểm ngoạn mục trong bối cảnh từ đầu 2021 đến nay.
Từ 15/6 đến nay, thị trường chứng khoán Mỹ tăng 15%, Anh, Pháp đều tăng; thị trường châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc đều tăng. Duy xét về giá trị tuyệt đối thì VN-Index tăng cao hơn. Ngoài ra, diễn biến của nền kinh tế các thị trường lớn trên thế giới đều hồi phục, niềm tin của nhà đầu tư phục hồi khi dịch được kiểm soát.
“Về nội lực, sự tăng điểm của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có lý do, khi số liệu kinh tế vĩ mô rất tích cực, những tháng đầu năm 2021, chỉ số vĩ mô ổn định, dòng tiền vào các kênh đầu tư khác như tiền ảo, bất động sản… chững lại do Nhà nước đã kiểm soát được, cho nên dòng tiền vào chứng khoán như vậy là không khó hiểu” - bà Bình phân tích.
Ngoài ra, cũng theo bà Bình, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong đại dịch khá tốt cũng là lý do quan trọng khiến giá cổ phiếu tăng lên. Bên cạnh đó, diễn biến của TTCK cũng đi trước, điều đó cho thấy sự hồi phục của nền kinh tế.
Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, có một số lý do để lý giải cho sự “thăng hoa” của TTCK Việt Nam thời gian qua.
“Tại quý 1/2021, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng mạnh. Điều đó dẫn đến sự kỳ vọng của nhà đầu tư với doanh nghiệp niêm yết. Trong đợt dịch thứ tư này, nhiều doanh nghiệp thậm chí lại có đơn hàng hơn so với những lần trước. Khó khăn của doanh nghiệp bây giờ là thiếu lao động chứ không phải đứt gãy đơn hàng như trước đây. Và đây là yếu tố góp phần đưa TTCK tăng điểm thời gian qua” - ông Hiếu nêu thông tin.
Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, những con số thống kê gần đây cho thấy có sự tăng mạnh của nhà đầu tư cá nhân với số lượng tài khoản tăng rất lớn. Lý giải của sự bùng phát, ông Hiếu cho rằng, do Covid-19 tác động khiến người dân mất việc làm, các hộ kinh doanh nhỏ không hoạt động, nên họ đã dành khoản đầu tư nhỏ để tham gia chứng khoán.
Làm gì để giữ chân dòng tiền nước ngoài?
Từ đầu năm 2021, khối ngoại bán ròng 21.500 tỷ đồng, điều này khiến không ít nhà đầu tư trong nước lo lắng. Trả lời câu hỏi "Làm gì để giữ chân dòng tiền nước ngoài?", TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh: Cần có được lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài vào những cải cách nền tảng của TTCK, nền tảng của nền kinh tế…
“Tôi cho rằng Việt Nam bây giờ cần sự đột phá. Ý tưởng đột phá, tốc độ đột phá. Đột phá khắc phục những điểm trước mắt chưa làm được như tự do hóa tài khoản vốn; đồng tiền Việt Nam có khả năng chuyển đổi hơn… Tôi hy vọng cùng với việc cải tổ thì việc phát triển các trung tâm tài chính sẽ là khâu đột phá để giữ chân được dòng tiền nước ngoài” - TS. Võ Trí Thành nói
Liên quan đến câu chuyện bán ròng, dưới góc độ cơ quan quản lý, bà Tạ Thanh Bình cho rằng: “Việc này chưa là chính sách lớn để tác động đến vấn đề gì đó. Ở đây, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu để mua trái phiếu, điều đó chứng tỏ họ đang chờ đợi cơ hội giải ngân tiếp theo, chứ không phải rút toàn bộ phần bán đi. Trong 6 tháng đầu năm bán ròng khá cao, nhưng so mức tương quan thì chỉ là khiêm tốn”.
Đưa ra nhận định về TTCK thời gian tới, ông Phan Đức Hiếu cho biết: “Nhìn cả về hiện tại và tương lai, xét về nỗ lực của Chính phủ, xu hướng thì thấy bức tranh khá lạc quan. Nhưng thị trường có những yếu tố khó đoán định là tâm lý nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư F0. Theo đó, nhà đầu tư nên chuyên nghiệp dần, cần có sự đào tạo của tổ chức trung gian để thị trường chuyên nghiệp hơn”.
Về phần mình, bà Tạ Thanh Bình nhấn mạnh: “Kịch bản thị trường trong thời gian tới, cơ hội sẽ thắng thế. Vì yếu tố cho thị trường tăng trưởng còn đó, chính sách tiền tệ, thị trường niêm yết vẫn còn đó. Thậm chí, độ hấp dẫn của dòng tiền vào TTCK vẫn giữ nguyên. Cho nên, chắc chắn thị trường sẽ có những phát triển mạnh mẽ thời gian tới”.