Từ việc HBC, HNG bị huỷ niêm yết, ngẫm chuyện 'vào bờ' của cổ đông
(DNTO) - Việc cổ phiếu nhiều doanh nghiệp bị huỷ niêm yết, chuyển sàn đã đẩy các cổ đông vào tình cảnh khó xử: bán không được, giữ không xong.
Tuần qua, cổ phiếu HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai và HBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nhận được thông báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) về việc cả hai đã rơi vào trường hợp bị huỷ niêm yết bắt buộc. Theo đó, Sở này sẽ thực hiện việc huỷ niêm yết với HBC và HNG.
Hiện ngày giờ chính thức huỷ vẫn chưa được hai doanh nghiệp thông tin, tuy nhiên số phận của HBC và HNG khá bi đát ngay trong phiên đầu tuần, khi cổ đông xả hàng không thương tiếc, lệnh bán chồng chất, hàng chục triệu đơn vị nằm sàn trong khi chiều mua trắng bảng. HNG giảm sàn chỉ còn trên 4 ngàn đồng mỗi đơn vị, trong khi HBC còn trên 6 ngàn đồng.
Doanh nghiệp nói gì?
Năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình rơi vào con số âm trên 3 ngàn tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực của công ty, khoảng trên 2 ngàn tỷ đồng. Hay với HNG, doanh nghiệp thua lỗ liên tục ba năm, mỗi năm con số thua lỗ lên tới ngàn tỷ đồng. Đây chính là nguyên nhân khiến hai doanh nghiệp phải dời cuộc chơi trên HoSE.
Trong thông báo gửi cổ đông, tập đoàn Hoà Bình cho biết, họ đang dự kiến chuyển hơn 347 triệu cổ phiếu HBC đang lưu hành sang sàn Upcom. Tập đoàn này cũng nhận định, việc chuyển sàn này sẽ "không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích cơ bản của cổ đông".
Cùng đó, doanh nghiệp cam kết thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định, đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư. "Chúng tôi nhận thức rõ tầm quan trọng của việc duy trì kênh thông tin liên tục và đáng tin cậy với cộng đồng đầu tư, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi này", thông báo cho biết.
Đáng chú ý, nửa đầu năm nay, kết quả kinh doanh của HBC khá tích cực, ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 740 tỷ đồng, tăng vượt trội so với mức lỗ 713 tỷ đồng của nửa đầu năm ngoái. Tập đoàn cho biết cũng đã thực hiện việc hoán đổi nợ thành cổ phiếu cho các nhà cung cấp, nhà thầu phụ giúp tăng vốn điều lệ lên 3,4 ngàn tỷ đồng tính đến ngày 30/6.
Trong khi đó, với HNG, Chủ tịch Trần Bá Dương từng chia sẻ với cổ đông tại đại hội cổ đông gần đây, ông nhấn mạnh việc tuân thủ luật, quản lý và vận hành doanh nghiệp trung thực, công khai minh bạch. Khi nói về khả năng huỷ niêm yết, vị lãnh đạo khá lạc quan khi cho rằng: “Cổ đông cứ ngại việc hủy niêm yết nhưng tôi thấy rằng vấn đề minh bạch rất quan trọng. Làm sao hình thành được giá trị thực, khi người ta nhìn thấy được giá trị tiềm năng thì ở Upcom giá cổ phiếu vẫn lên”.
Năm 2024, HNG dự kiến vẫn tiếp tục lỗ trước thuế 120 tỷ đồng, dù vậy doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng gần 15%, lên 694 tỷ đồng.
Con đường trở lại khó khăn?
Việc HoSE hay HNX huỷ niêm yết với nhiều doanh nghiệp được xem là động thái tích cực để thanh lọc thị trường, nâng cao chất lượng hàng hoá trên thị trường đồng thời bảo vệ nhà đầu tư trước rủi ro.
Thời gian vừa qua, thị trường đã chứng kiến nhiều cổ phiếu đã phải trở về với Upcom, gần đây nhất là POM của Thép Pomina, với 280 triệu cổ phiếu bị huỷ niêm yết trên HoSE. Cũng vào thời điểm tháng 5 vừa qua, SCD của Công ty Nước giải khát Chương Dương cũng chung cảnh ngộ. Ngoài ra có thể kể thêm như TTB của TTBGroup, L61 của CTCP Lilama 69-1 hay nhóm cổ phiếu họ FLC như FLC, ROS, KLF, GAB...
Tuy nhiên, trên sàn Upcom, nhiều cổ phiếu này khá chật vật. POM bất ngờ có phiên kịch trần thời điểm đầu chào sàn Upcom với mức tăng gần 40% từ mức 2.800 đồng/cp lên 3.900 đồng/cp. Tuy nhiên đây cũng là phiên thành công nhất của cổ phiếu này trên UPcom, bởi sau đó, POW liên tục trong tình trạng mất thanh khoản, không có giao dịch, hiện chỉ con 2.600 đồng/cp.
Cổ phiếu TTB cũng không có giao dịch trong nhiều tháng này, thị giá bèo bọt vài ngàn đồng một cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu FLC chung tình cảnh khi nhiều mã không hề có giao dịch nào.
Cá biệt như SCD, thời điểm dời HoSE, cổ phiếu này có thị giá 12.550 đồng/cp. SCD cũng liên tục trải qua các phiên giao dịch trắng thanh khoản, tuy nhiên lác đác lại có phiên tăng kịch trần khi có lượng tiền bất ngờ đổ vào để kéo thị giá khiến sau hai tháng tại Upcom, cổ phiếu này lại tăng nhẹ ở mức 14.100 đồng/cp, tuy nhiên, trường hợp này không nhiều.
Ở một diễn biến khác, theo thông tư của Bộ Tài chính, chậm nhất tới 31/12/2026, toàn bộ cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM và HNX sẽ được chuyển về HoSE giao dịch. Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp niêm yết sẽ không còn lo cảnh chuyển sàn và các cổ phiếu trên sẽ lại trở về với HoSE như tất cả cả các cổ phiếu khác.
Tuy nhiên, có thể thấy, dù ở bất kỳ sàn giao dịch nào cũng không phải là trở ngại của các cổ phiếu. Quan trọng nhất là niềm tin của các nhà đầu tư dành cho doanh nghiệp. Khi họ không còn kỳ vọng, không còn giao dịch, cổ phiếu khó lòng tăng giá. Điều này đặt ra trọng trách với các doanh nghiệp phải nỗ lực không ngừng để đáp ứng tiêu chí chất lượng hoạt động và các điều kiện ràng buộc niêm yết. Đó cũng chính là con đường phát triển bền vững của doanh nghiệp.