Soi khoản lãi ngàn tỷ đồng của các 'ông lớn' chứng khoán
(DNTO) - Mảng tự doanh tăng trưởng mạnh hay sự nổi trội của hoạt động tư vấn tài chính đã khiến nhiều công ty chứng khoán mang về hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận trong quý 2 này.
Là một trong những doanh nghiệp sớm công bố kết quả kinh doanh quý 2, Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) và Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho thấy một quý kinh doanh thành công khi cả hai có mức lợi nhuận tăng vọt: TCBS dẫn đầu toàn ngành với 1.612 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, SSI theo sau với 1.041 tỷ đồng, lần lượt tương đương với mức tăng 192% và 59% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là những con số thực sự ấn tượng trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý 2 của các công ty chứng khoán phân hoá rõ nét, không ít đơn vị rơi vào cảnh thua lỗ và có hơn 30% doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế dưới 50 tỷ đồng.
Mảng tự doanh trụ cột
Có thể nhận thấy, mảng kinh doanh tự doanh đóng góp lớn cho các doanh nghiệp. Lãi từ các tài sản chính FVTPL trong báo cáo tài chính của TCBS ghi nhận gần 700 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ quý 2 năm ngoái. Tại SSI, con số này đạt mức vượt trội với 1.041 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 691 tỷ đồng của quý 2/2023.
Cùng đó, cho vay margin tại các công ty khởi sắc trong bối cảnh chỉ số VN-Index bật tăng mạnh mẽ từ đầu năm đến nay. Tại SSI, mục lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt trên 512 tỷ đồng thì tại TCBS là trên 637 tỷ đồng.
Dù vậy, ở mục tài sản tài chính sẵn sàng bán (AFS) hay đầu tư nắm đến ngày đáo hạn (HTM) của hai doanh nghiệp lại khá trái ngược. Nếu tại TCBS có xu hướng tăng lên, đều trên 50% so với cùng kỳ, thì tại SSI lại cho thấy giảm rõ rệt, tài sản AFS giảm tới 70% và HTM trên 30%.
Nếu SSI có lợi thế lớn từ mảng môi giới chứng khoán, sau khi trừ chi phí, đã đóng góp khoảng 200 tỷ đồng cho doanh nghiệp trong quý, tăng mạnh so với con số 23 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái thì tại TCBS, với việc không trú trọng môi giới, doanh nghiệp lại tìm thế mạnh từ nghiệp vụ tư vấn tài chính, bảo lãnh, phát hành chứng khoán và đã mang lại hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận.
Có thể thấy mỗi doanh nghiệp đều cho thấy thế mạnh khác nhau. Với danh mục tự doanh lớn, chủ yếu FVTPL, SSI cho thấy xu hướng ưa đầu tư lướt sóng. Đồng thời, SSI cũng khẳng định vị thế thứ 2 trong Top 10 công ty chứng khoán có thị phần giá trị giao dịch môi giới lớn nhất trong bán niên năm 2024. Trong khi đó, TCSB có phần ưu tiên hơn cho mục tiêu đầu tư dài hạn, chú trọng vấn đề kinh doanh nguồn vốn và phân phối trái phiếu.
Hiện tại, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của TCBS tương đương một nửa so với SSI, khoảng 22,3 ngàn tỷ đồng, trong khi SSI đã đạt trên 45 ngàn tỷ đồng. Dù số dư cho vay của cả hai lớn, nhưng tỷ lệ cho vay/vốn chủ sở hữu vẫn thấp so với mức 200%, cho thấy tiềm năng vẫn còn lớn của cả hai ở mảng này.
Theo đó, xét riêng 6 tháng đầu năm, TCBS đã có hơn 2,2 ngàn tỷ đồng, kỷ lục từ trước đến nay của doanh nghiệp, SSI theo sau với trên 1,5 ngàn tỷ đồng.
Nhiều lợi thế cho các ông lớn?
Tại thời điểm cuối quý 2, cả TCBS và SSI đều ghi nhận nguồn vốn chủ sở hữu đạt trên 24 ngàn tỷ đồng, thuộc nhóm dẫn đầu ngành chứng khoán. Nguồn lực vốn lớn đã tạo thuận lợi cho cả hai nâng cao dịch vụ, thúc đẩy các mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận lớn.
Giai đoạn tới, dự báo chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn khi triển vọng kinh tế sáng sủa hơn trong những tháng cuối năm giúp các doanh nghiệp niêm yết khởi sắc; cùng đó chính sách tiền tệ linh hoạt và ổn định, xu hướng tham gia ngày càng nhiều của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước cũng như việc nâng hạng của thị trường chứng khoán. Theo đó, các doanh nghiệp như SSI hay TCBS được tiếp tục hưởng lợi là điều dễ hiểu.
"Dù cạnh tranh ngày càng gay gắt nhưng miếng bánh cho tất cả thành viên sẽ to ra nhanh chóng", chứng khoán PHS khuyến nghị khi nhận định về triển vọng của ngành. Đồng thời các chuyên gia cũng cho biết: "Doanh thu toàn ngành sẽ tập trung và các tay chơi lớn".
Đặc biệt, sự phân hoá giữa các công ty chứng khoán sẽ rõ nét hơn khi nhà đầu tư càng chuyên nghiệp sẽ càng yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ, thị trường càng phát triển sẽ càng tập trung hơn, trong khi đó các doanh nghiệp chứng khoán dẫn đầu sẽ tiếp tục tăng vốn, mở rộng dư địa cho vay và cung cấp dịch vụ và khả năng sẽ chiếm lĩnh thị trường và ngày càng bỏ xa các đối thủ còn lại.