Từ việc 'cấm cửa' TikToker: Chủ quán mong nhẹ nhàng, người xem cần công tâm
(DNTO) - Hành động dán ảnh, "cấm cửa" một số cá nhân hiện nở rộ sau sự việc nhiều TikToker đồng loạt làm clip nói về một quán chè. Cách làm của một số cơ sở kinh doanh tuy khẳng định quan điểm riêng nhưng sẽ vô tình vi phạm pháp luật nếu không cẩn trọng.
Thời gian gần đây xuất hiện việc nhiều cơ sở kinh doanh dán ảnh “miễn tiếp” một số TikToker chuyên thực hiện video đánh giá chất lượng dịch vụ, sản phẩm, chủ yếu là về ẩm thực, khiến dư luận chia sẻ, quan tâm.
Trước đó, một số cá nhân dùng mạng xã hội TikTok có lượng công chúng theo dõi lớn chuyên thực hiện những video trải nghiệm, nêu cảm nhận cá nhân về các quán ăn. Thế nhưng, những nhận xét theo quan điểm cá nhân này đã khiến người xem suy nghĩ theo hướng tiêu cực, vô tình khiến một số cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng.
Để “phòng ngừa”, nhiều nhà hàng, quán ăn chọn cách dán ảnh, không tiếp các TikToker nhất định khiến tạo ra nhiều luồng dư luận khác nhau, bênh vực và phản pháo, trên các trang mạng xã hội.
Nhiều quan điểm đồng thuận với cách làm của các TikToker vì đây là trải nghiệm cá nhân, có thể giúp mọi người dễ dàng cảm nhận về chất lượng của cơ sở kinh doanh mà không cần mất thời gian đến trực tiếp. Nhiều ý kiến cho rằng đây là bình phẩm cá nhân, không phạm luật, nên nếu ngăn cản sẽ vi phạm pháp luật về quyền, lợi ích của người tiêu dùng.
Theo chị Nguyễn Nhi (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM): “Cũng nhờ các TikToker mà những người xem như mình sẽ phần nào cảm nhận, đánh giá về địa điểm mình đang định tiếp cận. Nhất là với lĩnh vực ẩm thực, nếu nhiều người review không ổn thì mình sẽ cân nhắc có nên đến hay không”.
Anh Quang Duy (ngụ quận 4, TP.HCM) cho biết: “Nhiều lần xem clip, thấy các bạn trải nghiệm, nhận xét về một số quán ăn, mình cũng đến thử nhưng có nhiều quán chưa thật sự ngon, do vậy, mình khá tin tưởng việc nhiều người review "chất lượng tệ" thì mình cũng không đến”.
Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng việc dán hình ngăn cấm TikToker là đúng vì đã làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của một số cơ sở. Lượng khách, doanh thu giảm khiến quán rơi vào khó khăn nhất định khi các clip "chê bai" phát hành.
Một số chủ cơ sở kinh doanh cho biết, vấn đề dán ảnh miễn tiếp sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến không chỉ cá nhân mà còn là chính cơ sở. Dịch vụ, chất lượng tốt thì không quan ngại, còn đăng tải sai lệch thì có pháp luật xử lý. Đối với lĩnh vực ẩm thực, cần những TikToker, người có ảnh hưởng xã hội cần có những từ ngữ tránh gây ra nhầm lẫn, tiêu cực.
Chị Thùy Đan, chủ quán Son Coffee, chia sẻ: “Tôi không cấm ai nhưng muốn quay clip trải nghiệm thì cần trao đổi trước với mình. Biết đâu trải nghiệm của các bạn sẽ khách quan. Nếu có quay thì khi thấy còn lỗi ở khâu phục vụ thì nhắc nhở quán để sửa; còn về hương vị thì thoải mái bởi tùy cảm nhận của mỗi người”.
Chị Tuyết, chủ nhà hàng Tuyết nhớ, cho biết: “Cũng có bạn đến review, mình rất vui; nếu có sai sót, các bạn nhắc nhở quán để sửa, câu từ thể hiện trong clip cũng nhẹ nhàng; người xem cũng có cái nhìn tích cực, công tâm hơn. Việc dán bảng cấm, mình không làm vì sẽ có hình ảnh xấu và vi phạm pháp luật”.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Doanh Nhân Trẻ, luật sư Bùi Khắc Toản – Văn phòng luật BKT cho biết, việc đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo quan điểm cá nhân sẽ không vi phạm pháp luật, nhưng khi vu khống, bịa đặt, bôi nhọ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đó, tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Các cơ sở kinh doanh nếu cố tình dán ảnh cùng những câu từ gây ảnh hưởng đến cá nhân mà không được sự cho phép của họ là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, Nghị định 144/2022 xử phạt 3 - 5 triệu đồng về hành vi sử dụng hình ảnh của người khác vào mục đích trái pháp luật khi không được cho phép.
Theo quy định của pháp luật dân sự, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân thì phải được người đó cho phép. Chủ quán sử dụng hình ảnh của TikToker nhưng không được họ cho phép là vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho cá nhân TikToker đó thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Luật sư Toản cũng nhận định, những cá nhân có lượng người theo dõi nhất định cần cẩn trọng khi phát ngôn, đưa ra quan điểm, vì có thể ảnh hưởng rất lớn đến cá nhân, tổ chức được đề cập đến. Bên cạnh đó, người sử dụng mạng cần nhận thức rõ giữa quan điểm cá nhân và thực tế, nhằm tránh chuyển hướng thành yếu tố tiêu cực.
Một số người nhận xét về ẩm thực, ngoài chất lượng dịch vụ thì hương vị, mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau, phù hợp với người này nhưng sẽ không “vừa ý” người kia, nếu vì đánh giá của người nổi tiếng mà đánh đồng chất lượng tệ sẽ không công bằng.
Anh Quang Thái (ngụ Tân Bình) cho biết: “Khẩu vị mỗi người không giống nhau, nếu xem người nổi tiếng nói "không ngon" rồi đánh giá món ăn của quán ăn, nhà hàng đó không ngon thì thật sự chưa đúng. Tôi có thể thấy quán này nấu ngon nhưng bạn bè thì không cho như vậy; về hương vị thì mình không phải chuyên gia nên không thể nói gì”.
Nhận xét về sản phẩm, dịch vụ luôn cần sự công tâm, đòi hỏi người đưa ra quan điểm, nhất là người có sự ảnh hưởng đến cộng đồng, cần có cách truyền tải phù hợp, tránh làm lệch lạc cách nhìn của người xem về cơ sở kinh doanh được nhắc đến.