Trung Quốc bắt đầu chiến dịch trấn áp Tesla của Elon Musk
(DNTO) - Giới quan sát nhận định Tesla không có nhiều thời gian để tăng thị phần tại Trung Quốc trước khi bị chính quyền Bắc Kinh “triệt hạ”.
Trong thời gian qua, Tesla liên tục dính lùm xùm tại Trung Quốc. Từ tháng 10/2020, Tesla hai lần phải triệu hồi xe tại Trung Quốc, ảnh hưởng gần 85.000 chiếc, vì lỗi kỹ thuật.
Hôm 19/4, một phụ nữ gây náo loạn ở Triển lãm ôtô Thượng Hải khi mặc áo thun in dòng chữ “Phanh không hoạt động” và trèo lên nóc một chiếc xe Tesla. Trên các trang mạng xã hội Trung Quốc, rất nhiều người chỉ trích xe Tesla kém chất lượng.
Sau đó, Tân Hoa xã và Nhân Dân nhật báo đồng loạt đăng bài xã luận phê phán công ty xe điện của tỷ phú Elon Musk “phớt lờ” quyền lợi của người tiêu dùng Trung Quốc. Một số nhà bình luận Trung Quốc thậm chí kêu gọi chính quyền Bắc Kinh trục xuất Tesla ra khỏi thị trường 1,4 tỷ dân tương tự như Google.
“Đây không phải là những bài xã luận bình thường mà là một chiến dịch chống Tesla có tổ chức”, Business Insider dẫn lời nhà phân tích Anne Stevenson-Yang của hãng đầu tư J Capital Research tại Trung Quốc bình luận.
Chuyên gia Tu Le - người sáng lập hãng Sino Auto Insights - cũng có quan điểm tương tự. “Những lời phàn nàn trên mạng xã hội là một chuyện, việc truyền thông nhà nước lên tiếng là chuyện hoàn toàn khác. Đây rõ ràng là lời cảnh báo tới Tesla”, chuyên gia Le nhấn mạnh.
Tesla rất cần Trung Quốc. Hồi đầu tuần, Tesla công bố doanh thu và lợi nhuận quý I đạt kỷ lục, nhưng giá cổ phiếu công ty sụt 4% ngày hôm sau. Bởi phần lớn lợi nhuận Tesla đến từ việc bán Bitcoin và giấy phép xả thải cho các hãng ôtô khác.
Với việc các công ty xe hơi liên tục đưa ôtô điện ra thị trường, lợi nhuận của Tesla từ bán giấy phép xả thải sẽ cạn dần. Phố Wall muốn biết công ty của Elon Musk sẽ tạo lợi nhuận như thế nào sau đó. Và thị trường Trung Quốc đóng vai trò trọng yếu.
Nhà phân tích Daniel Ives của Wedbush Securities nhận định tương lai của Tesla phụ thuộc vào khả năng xâm nhập thị trường Trung Quốc. “Elon Musk sẽ phải ‘tỏ ra tử tế’ ở Trung Quốc để đảm bảo tăng trưởng của Tesla không sụt giảm ở thị trường này. Trung Quốc sẽ chiếm tới 40% số lượng xe điện được giao toàn cầu vào năm 2022”, chuyên gia Ives nói.
Chuyên gia Le cho rằng Tesla và Trung Quốc vừa hợp tác, vừa đối đầu. Bắc Kinh cần Tesla để tạo sự chú ý cho thị trường xe điện nước này. Tuy nhiên, về lâu về dài, Bắc Kinh muốn các thương hiệu nội địa chiếm lĩnh thị trường.
Hiện, Tesla, SAIC-GM-Wuling Automobile và BYD đang thống thị trị thị trường xe điện Trung Quốc với 55% thị phần. Tuy nhiên, chừng đó chỉ tương đương 5% tổng thị phần thị trường xe hơi Trung Quốc.
“Trước mắt, Bắc Kinh vẫn cần Tesla để thúc đẩy thị trường xe điện. Nhưng Tesla cần hết sức thận trọng. Khi một thương hiệu trong nước trở nên vững mạnh, tình thế sẽ thay đổi nhanh chóng với công ty Mỹ”, chuyên gia Le dự báo.
Sau sự cố ở Triển lãm ôtô Thượng Hải, Tesla lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến dịch chỉ trích vẫn tiếp diễn trên báo chí nước này. “Chúng ta đang bước vào một thời kỳ mới về rủi ro doanh nghiệp tại Trung Quốc”, chuyên gia Lee Miller, người sáng lập China Beige Book, nói.
“Trước đây, khi truyền thông Trung Quốc mở chiến dịch tấn công, doanh nghiệp chỉ phải lên tiếng xin lỗi. Giờ khi Bắc Kinh tấn công, doanh nghiệp rất khó trụ lại. Cách duy nhất để sống sót là đảm bảo thương hiệu chiếm được hoàn toàn lòng tin của người tiêu dùng Trung Quốc, ví dụ như Nike hay Adidas”, ông Miller cho biết.
Ông Miller nhận định Bắc Kinh hiện chưa “quyết tiêu diệt” Tesla, nhưng những gì đã xảy ra “chỉ là một phần mà Elon Musk sẽ chứng kiến trong tương lai”. “Khi đó, Bắc Kinh sẽ đè bẹp Tesla”, ông cảnh báo.