Trong nguy có cơ, cơ hội nào cho cổ phiếu tháng ba?
(DNTO) - Nhiều rủi ro nhưng cũng không ít yếu tố thuận lợi "mở đường" cho thị trường chứng khoán tháng ba.
Biểu đồ của VN-Index trong hai tuần qua, từ khi có thông tin về cuộc chiến Nga - Ukraine, phần lớn đi theo chiều lên xuống bất thường. Nhà đầu tư chưa kịp vui với phiên ngày 3/3 khi chỉ số này tăng tới 19 điểm, thì ngày 8/3, VN-INdex đã đánh rơi 25 điểm.
Lên cao bất ngờ rồi lại lao dốc sâu, thị trường đang chật vật vất vả với ngưỡng 1.500 điểm. Tâm trạng nhà đầu tư cũng nhiều cảm xúc hơn, khi chưa kịp vui đã vội buồn.
Rủi ro rình rập
Cuộc chiến Nga - Ukraine hiện được xem là rủi ro lớn nhất và cũng là nguyên nhân tạo nên khoảng thời gian biến động vừa qua với thị trường. Tâm lý quan ngại về sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã bị tổn thương giai đoạn dịch bệnh, dâng cao, cùng đó giá các loại hàng hóa như xăng, dầu, khí tự nhiên, than... tăng cao, sức mua của người dân bị ảnh hưởng.
Điều này trở thành gánh nặng cho nền kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục sau đại dịch, nhất là nền kinh tế có độ mở cao như nước ta. Mục tiêu giữ vững lạm phát dưới 4% của Chính phủ trở khó khăn hơn. Và đặc biệt, các doanh nghiệp có thể đạt lợi nhuận như kỳ vọng trong năm 2022 sẽ trở nên khó khăn.
Những tác động trực tiếp của cuộc chiến Nga - Ukraine không quá lớn, tuy nhiên "rủi ro ngắn hạn đối với Việt Nam khi xung đột kéo dài là áp lực lạm phát có thể tăng mạnh và sớm hơn so với dự kiến", các chuyên gia SSI nhận định. Các chuyên gia kỳ vọng, các biện pháp kiểm soát giá sẽ được thực thi để kiềm chế lạm phát.
Cũng trong tháng ba, Cục Dự trữ liên bang Mỹ có kế hoạch tăng lãi suất tạo áp lực lên các ngân hàng trung ương, trong đó có nước ta. Trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng, rủi ro tăng lãi suất sẽ nhanh hơn kỳ vọng.
Trong khi đó, đồng đô la có xu hướng mạnh lên trên thị trường quốc tế đã tạo áp lực cho tiền đồng VND, nguyên nhân đến từ việc nhập siêu trpng 2 tháng qua và giai đoạn cao điểm nguồn kiều hối dịp Tết đã qua. Tuy nhiên điều này được cho là sẽ nhanh chóng được khắc phục khi xuất khẩu hồi phục trong tháng ba này, giúp đồng VND lấy lại sức mạnh.
Số ca nhiễm Covid tăng mạnh thời gian qua tại nhiều địa phương cũng là điều đáng chú ý. "Rủi ro lớn nhất hiện tại là nguy cơ bùng phát dịch ngoài tầm kiểm soát, trong trường hợp bắt buộc phải tái thực hiện giãn cách xã hội, là rủi ro lớn nhất đối với dự phóng", chứng khoán Mirae Asset cho biết.
Ở một góc nhìn tích cực, các chuyên gia nhận định: "Mức độ thích ứng với chính sách “sống chung với dịch” sẽ gia tăng nhờ độ phủ vắc xin cao, cũng như việc Chính phủ đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi tăng cường cho người dân giúp giảm tỷ lệ tử vong".
Động lực tăng trưởng
Một trong những điểm sáng của thị trường tháng 3 là quyết tâm mở cửa nền kinh tế sớm hơn dự kiến. Việc Chính phủ đã đồng ý đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, từ 15/3, không chỉ tạo đà cho ngành du lịch mà còn tạo kỳ vọng cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Giá xăng tăng cao, kéo theo giá cả nhiều mặt hàng tăng lên, mặc dù vậy thị trường vẫn có thể hy vọng vào các biện pháp kiểm soát lạm phát của Chính phủ, giúp hạn chế những tác động của lạm phát lên nền kinh tế.
Nhà đầu tư cũng có thể kỳ vọng vào các yếu tố như kết quả kinh doanh sơ bộ quý 1/2022 và các kế hoạch định hướng của doanh nghiệp trong mùa đại hội cổ đông đang đến gần. Đây có thể là những thông tin quý báu hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán tháng 3 này.
Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng trong nước đã có dấu hiệu phục hồi, trong đó ngành bán lẻ đã có sự cải thiện đáng kể khi doanh thu bán lẻ tại TP.HCM tăng 3,4% so với cùng kỳ, tại Hà Nội là 10,9%. "Tiêu dùng tăng thông thường sẽ khuyến khích các công ty tăng sản lượng và công suất, tạo thêm động lực tăng trưởng. Thêm vào đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng được kỳ vọng sẽ giúp kích cầu tiêu dùng hơn nữa trong năm 2022", Mirae Asset nhận định.
Ngoài ra, nhiều động lực tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới như các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, sự tham gia ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ lợi thế từ các hiệp định thương mại chủ chốt, nhu cầu bên ngoài dần được cải thiện...
"Về góc nhìn kỹ thuật, chỉ số VN-Index hiện đang trong trạng thái đi ngang giữa vùng kháng cự 1.512 điểm và vùng hỗ trợ 1.470 điểm. Vùng 1.470 điểm là mốc hỗ trợ quan trọng, nếu chỉ số VNIndex giữ vùng hỗ trợ này đi cùng với thanh khoản cải thiện dần thì đây là tín hiệu gia tăng tỷ trọng cổ phiếu với kỳ vọng chỉ số sẽ kiểm lại vùng đỉnh cũ 1.537 điểm. Ngược lại, nếu bị phá vỡ thì vùng hỗ trợ tiếp theo trên chỉ số VN-Index được xác định quanh vùng 1.440 – 1.423 điểm", Chứng khoán SSI dự đoán.
Trong tháng ba, SSI khuyến nghị 8 cổ phiếu: IDC, HAH, TCH, VPB, HPG, MWG, DGC, PNJ.