Trẻ em có thật sự cần có Ngày Quốc tế thiếu nhi?
(DNTO) - Ngày 1/6 hằng năm đã trở thành một ngày hội, một ngày lễ đặc biệt dành riêng cho thiếu nhi Việt Nam. Tuy nhiên trong thực tế, Ngày Quốc tế thiếu nhi có ý nghĩa thật sự như thông điệp của nó với trẻ em trong tình hình xã hội hiện nay hay không?
Cùng với tết Trung Thu, ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 là một ngày đặc biệt dành riêng cho trẻ em. Hằng năm ngày này được gia đình và xã hội quan tâm bằng những hoạt động vui chơi, giáo dục, giải trí; những lời chúc tốt đẹp và những món quà yêu thích dành cho các em nhỏ.
Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Thiếu nhi được tổ chức lần đầu vào ngày 1/6/1950, một năm sau quyết định lấy ngày 1/6 hằng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi của Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế.
Đây là dịp để tôn vinh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trên toàn thế giới gồm quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt. Đây cũng là nội dung văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên nói về quyền trẻ em của Việt Nam được thế giới phê chuẩn, đó là Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Gần đây, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thay thế Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991 cũng đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2005.
Tuy nhiên, trong thực tế, khác với những gì chúng ta hô hào, thực trạng trẻ em bất hạnh, rơi vào hoàn cảnh không được bảo vệ, chăm sóc, thậm chí bị ngược đãi hiện nay vẫn đang xảy ra hằng ngày, hằng giờ. Đây là một nỗi đau, một vấn nạn cần được xã hội và nhất là những tổ chức có liên quan đến trẻ em lên tiếng mạnh mẽ và quyết liệt.
Trước hết là nạn bạo hành trẻ em, bao gồm bạo lực gia đình, bạo lực học đường, nạn xâm hại tình dục trẻ em…
Bạo hành gia đình phổ biến rơi vào các vụ trẻ bị bạo hành do bố dượng, mẹ kế, không loại trừ số ít “thủ phạm” là cha mẹ ruột. Thật đau lòng mà nói rằng: Tình trạng bố mẹ người thân trong gia đình bạo hành con cháu gần đây đã trở thành một hiện tượng không có gì lạ và mới. Theo Tiến sĩ Tâm lý học Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) thì, hành vi bạo hành đối với trẻ em không chỉ để lại nỗi đau về thể xác, mà còn khiến trẻ bị sang chấn tinh thần, tâm lý. Dưới góc độ tâm lý học, bạo hành trẻ em để lại vết thương tinh thần không thể nào liền sẹo cho trẻ. Đặc biệt, là những trường hợp người có hành vi bạo hành với trẻ lại là người thân trong gia đình như ông bà, bố mẹ.
Một vụ án thuộc loại “trời không dung đất không tha” cho đến nay, nhắc lại vẫn còn làm cho nhiều người phẫn nộ, đó là vụ việc bé Vân An bị mẹ kế bạo hành đến tử vong. Ở một trường hợp khác, cách đây đúng một tuần, vào ngày 23/5, Tòa gia đình và người chưa thành niên (TAND TP.HCM) cũng vừa mở phiên xét xử bị cáo Trần Thị Dung (27 tuổi, ngụ tỉnh Thừa Thiên - Huế) về tội “giết người” mà nạn nhân chính là con gái ruột của bị cáo vào thời điểm bị sát hại mới hơn 3 tuổi.
Bạo lực học đường cũng là một vấn nạn mặc dù đã bị dư luận lên án và pháp luật trừng phạt nhưng vẫn chưa thấy “hạ nhiệt”. Đó là những vụ bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non; thầy cô giáo, thậm chí phụ huynh đánh học sinh tại trường; những vụ ẩu đả giữa học sinh với nhau để lại nhiều hậu quả nặng nề về thể chất lẫn tinh thần…
Đặc biệt là nạn xâm hại tình dục trẻ em. Đặc thù trong những vụ án này, thủ phạm thường là người thân quen của nạn nhân như bố ruột, bố dượng, người tình của mẹ, thầy giáo, bác bảo vệ, ông hàng xóm…Đằng sau những vụ án đó là một số phận cần được tiếp diễn nhưng không phải sự tiếp diễn nào cũng suôn sẻ, bình yên. Nỗi ám ảnh theo đuổi có khi làm hủy hoại cả cuộc đời của một đứa trẻ.
Ngoài ra, nhiều trường hợp trẻ do sự bất cẩn của người lớn mà phải mang thương tật hoặc tử vong như trường hợp trẻ bị đuối nước, bị bỏng, bị súc vật cắn, bị rơi từ tầng cao… Hy hữu như trường hợp học sinh lớp 1 Trường Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón.
Thêm một hiện tượng xã hội đặc biệt ngày càng phổ biến nữa. Đó là tình trạng trẻ con rơi vào hoàn cảnh cha mẹ ly hôn. Ngoài một số ít trẻ được chăm sóc tốt sau đó, mặc dù cú sốc tinh thần và sự sang chấn tâm lý là không tránh khỏi, thì đa số trẻ em có cha mẹ ly hôn phải sống với ông bà đã tuổi cao sức yếu, hoặc nương tựa họ hàng, thậm chí bị cho làm con nuôi… Sự tổn thương tâm lý và ảnh hưởng xấu đến việc phát triển nhân cách của trẻ trong trường hợp này là có thật.
Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 xin gửi đến mọi người một thông điệp: Trẻ con cần một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh, vui vẻ và an toàn… Các con mong muốn được chăm sóc, quan tâm, đặc biệt là được bảo vệ bằng hành động, việc làm cụ thể từ các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, các tổ chức xã hội và cả nhà chức trách khi cần. Trẻ con không cần người lớn hô hào suông, không cần dành riêng cho mình một ngày tượng trưng không mang ý nghĩa thực tế.