Trái phiếu bất động sản tiếp tục hút dòng tiền nhờ lãi suất cao
(DNTO) - Nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn khá cao, đặc biệt là các doanh nghiệp hạn chế về tài sản đảm bảo cho các khoản vay.
Báo cáo của Công ty chứng khoán SSI cho thấy trong quí 1-2021, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 23.150 tỉ đồng trái phiếu, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chiếm tới 61,9% tổng lượng phát hành toàn thị trường. Riêng trong tháng 3, bất động sản tiếp tục chiếm chiếm tỷ trọng lớn nhất với quy mô phát hành 4.450 tỉ đồng (chiếm 29,7% tổng giá trị phát hành), tăng 42,4% so với tháng trước.
Kỳ hạn bình quân các trái phiếu bất động sản phát hành trong quí đầu năm nay cũng giảm mạnh xuống mức 2,9 năm, từ mức bình quân 3,9 năm trong hai năm trước đó.
Đáng chú ý là dù kỳ hạn huy động vốn ngắn hơn, lãi suất bình quân của trái phiếu bất động sản lại nhích tăng 14 điểm phần trăm so với quí 4 năm ngoái 2020, lên mức 10,41%/năm.
Đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất thị trường, trong khi nhóm ngân hàng có lãi suất bình quân thấp nhất (chỉ 4,67%/năm).
Khối nghiên cứu của SSI đánh giá nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn khá cao, đặc biệt là các doanh nghiệp hạn chế về tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Do đó, lãi suất trái phiếu bất động sản ở mức cao sẽ hấp dẫn hơn so với các nhóm ngành nghề khác.
Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy tín dụng bất động sản tại cuối quí 1-2021 tăng 3% so với với cuối năm 2020, cao hơn tăng trưởng chung của toàn ngành (2,93%). Trong khi đó, rủi ro từ dòng vốn chảy vào bất động sản gần đây được nhắc đến liên tục.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trong các buổi việc gần đây cũng cho biết sẽ tăng cường kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán.
Một thống kế đáng chú ý khác là có một nửa trái phiếu phát hành là không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu. Trong tổng lượng phát hành trong quí 1, chỉ có 17,4% được bảo đảm bằng bất động sản, 17,2% được đảm bảo bằng tài sản;14,7% được đảm bảo bằng một phần tài sản là bất động sản và một phần là cổ phiếu; tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu chiếm 9,1%; số còn lại là trái phiếu không có tài sản đảm bảo, chiếm 41%.
“Lãi suất trái phiếu bất động sản có thể nhích tăng và sẽ hấp dẫn hơn so với các nhóm trái phiếu khác nhưng nhà đầu tư nên hết sức thận trọng vì thị trường bất động sản đang khá nóng. Lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu cũng đang tăng lên sẽ gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư”, SSI khuyến nghị.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu cho thấy những dấu hiệu phục hồi vào tháng 3. Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 3 tăng 98,3% so với tháng trước, dù vẫn giảm 41,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Sau kỳ nghỉ lễ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần trở nên sôi động hơn nhờ những thay đổi tích cực về mặt pháp lý vừa qua và mối quan tâm của nhà đầu tư đối với trái phiếu cũng sẽ cao hơn”, báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp của VNDirect nhận định.
Trên thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có sự điều chỉnh sau khi Nghị định 153 ban hành năm 2020 của Chính phủ có hiệu lực từ đầu năm nay, đã tạo ra sự thay đổi đáng kể về khung pháp lý với các hình thức chào bán trái phiếu. Các thành viên trên thị trường sẽ cần khoảng thời gian để thích nghi với các quy định mới kéo theo sựtrầm lắng nhất định trong những tháng đầu năm 2021”, công ty chứng khoán VBCS đánh giá.
Một thống kê đáng chú ý khác trong báo cáo SSI là tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng đã tăng lên, đạt mức 18,7% tổng lượng phát hành toàn thị trường, cao hơn nhiều mức bình quân chỉ 5,1% của cả năm 2020.