TP.HCM: Trả mặt bằng đường Lê Lợi – hộ kinh doanh vui, lo lẫn lộn
(DNTO) - Sau 7 năm thi công, đường mới Lê Lợi thuộc tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên (TP.HCM) dự kiến sẽ tháo dỡ, bàn giao 2 đoạn trước lễ 30/4 tới. Bên cạnh niềm vui, nhiều hộ kinh doanh trên các đoạn đường này lo lắng giá thuê mặt bằng sẽ tăng cao hơn.
Hiện, đường Lê Lợi đang được khẩn trương thi công để kịp bàn giao 2 đoạn trong dịp lễ 30/4 - 1/5, phần còn lại sẽ được bàn giao vào tháng 7 và dịp lễ 2/9.
Theo khảo sát của phóng viên Doanh Nhân Trẻ, trên 2 đoạn đường này, đa phần các mặt bằng đang treo bảng cho thuê, sang nhượng hoặc tạm đóng cửa, bởi suốt 7 năm thi công tuyến metro, các cửa hàng kinh doanh ăn uống, lưu trú không có khách đến, bến bãi đậu phương tiện không còn.
Những cửa hàng còn trụ lại được (chủ yếu kinh doanh quà lưu niệm, sản phẩm thời trang, sách vở...) đa phần là nhờ khách vãng lai, khách quen và khách đặt trực tuyến, nên phần nào không lo lắng trước các vấn đề phát sinh bên ngoài.
Thế nhưng, bên cạnh niềm vui ngày trở lại hoạt động, nhiều hộ kinh doanh cho biết, mở đường mới rộng rãi, khang trang thì sẽ thuận lợi hơn cho việc buôn bán, nhưng bên cạnh đó cũng kèm nỗi lo giá thuê mặt bằng sẽ tăng cao hơn.
Anh Thái Hùng, chủ kinh doanh lâu năm trên đoạn Lê Lợi đi qua Pasteur và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cho biết, cửa hàng của anh đã trụ lại rất nhiều năm, một phần do lượng khách quen đến nhiều, ngại đổi địa chỉ vì đã cố định lâu nay và cố gắng kinh doanh cầm chừng cho đến khi mở lại.
“Việc mở kinh doanh trong khi đường thi công suốt nhiều năm đã là một sự cố gắng, vì lượng khách mua qua phương thức trực tuyến cũng dần nhiều nên tôi còn có thể cầm cự, nhưng vui khi mở lại cũng có mà lo lắng hơn vì giá mặt bằng sẽ thay đổi rất nhiều”, anh Hùng cho biết thêm.
Đối với hộ kinh doanh có mặt bằng của gia đình thì vấn đề thuê sẽ không ảnh hưởng, tuy vậy, giá thành sản phẩm kinh doanh sẽ tăng lên để khấu hao vào các khoản khác.
Tương tự, chị Trang, hiện kinh doanh quà lưu niệm trên đoạn đường này, cũng chia sẻ, khi giá thuê mặt bằng tăng thì chỉ có cách thương lượng với chủ cho thuê nhà để đưa ra mức giá hợp lý nhất.
"Hiện tại chủ yếu là khách vãng lai, không tốn lương cho nhân viên nên chi phí mặt bằng cũng có thể cầm cự được, nhưg phải cân nhắc đàm phán với chủ nếu họ tăng giá quá cao", chị Trang tâm sự.
Đối với các hộ kinh doanh này, việc lượng khách giảm do công trình thi công suốt nhiều năm cũng gây thiệt hại rất nhiều, dẫn đến doanh thu giảm theo và khi còn trụ được là cả một vấn đề lớn. Những đợt giãn cách xã hội do Covid-19 cũng khiến một số hộ thua lỗ 100% vốn và trả lại mặt bằng kinh doanh.
Có thể nói, khi đưa vào hoạt động trở lại, tuyến đường Lê Lợi sẽ hứa hẹn nhiều thuận lợi hơn không chỉ cho giao thông thành phố, nâng cấp cảnh quan đô thị mà còn tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế xã hội. Thế nhưng, giá thuê mặt bằng tăng kèm nhiều chi phí phát sinh sẽ khiến những hộ kinh doanh lâu năm tại đây theo hình thức thuê dài hạn không còn trụ được nữa.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, toàn bộ mặt đường Lê Lợi sẽ được hoàn thiện và bàn giao theo 4 giai đoạn. Trong đó, một phần đoạn Nguyễn Huệ - Pasteur sẽ bàn giao vào ngày 27/4; đoạn Pasteur - cách Nam Kỳ Khởi Nghĩa khoảng 50m sẽ bàn giao dịp 30/4 - 1/5; đoạn 50m gần Nam Kỳ Khởi Nghĩa dự kiến bàn giao trong tháng 7; đoạn từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến trước chợ Bến Thành sẽ bàn giao dịp 2/9.