TP.HCM: Nhiều người chưa được giúp 'đi chợ hộ', siêu thị vẫn chờ hướng dẫn từ Sở Công thương
(DNTO) - Trong ngày đầu tiên TP.HCM thực hiện Chỉ thị 11, siết chặt công tác phòng, chống dịch, hình thức "Đi chợ hộ" cho 9,4 triệu dân, theo ghi nhận, nhiều người vẫn chưa nhận được thông báo, hướng dẫn để có thể mua thực phẩm. Nguồn hàng dồi dào nhưng hệ thống siêu thị vẫn chờ hướng dẫn thực hiện từ cơ quan chức năng.
Cho tới 17g ngày 23/8, toàn bộ cư dân sinh sống tại chung cư The. U. trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, TP.HCM đều chưa nhận được thông báo, hướng dẫn nào về việc mua thực phẩm từ các đơn vị chức năng tại địa phương. Trong nhóm Zalo, người dân cũng hỏi thăm nhau bao giờ được mua nhưng chưa ai có câu trả lời.
Chị Mai Thi, sinh sống tại đây cho biết, ban quản lý có cho số điện thoại của một cán bộ phụ trách thuộc phường để hỏi tình hình, tuy nhiên, số điện thoại này không liên hệ được.
Cùng chung tình trạng, chị Hà Vân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức cho biết gia đình chị và các hộ xung quanh cũng chưa nhận được thông báo, hướng dẫn gì về hình thức đi chợ hộ từ địa phương.
"Tôi đang có nhu cầu mua rau, củ vì hôm qua không thể đặt hàng nên đang chờ hướng dẫn từ lực lượng hỗ trợ tại địa phương", chị Vân nói thêm.
Trong khi đó, đại diện của nhiều hệ thống siêu thị đều cho biết hàng hóa dồi dào và đang chờ hướng dẫn từ Sở Công thương.
Đại diện hệ thống siêu thị AEON cho biết, trong ngày đầu tiên TP.HCM triển khai siết chặt các biện pháp giãn cách để phòng dịch, các siêu thị AEON Tân Phú và AEON Bình Tân vẫn duy trì nhập hàng, đảm bảo nguồn hàng ổn định để phục vụ nhu cầu của người dân được đặt hàng thông qua các cơ quan địa phương và các tổ Covid cộng đồng trong thời gian tới. Đồng thời đã và đang phối hợp để gửi các combo hàng hóa cho đầu mối phụ trách tại các phường/ tổ dân phố, sẵn sàng nhận đơn hàng từ người dân.
Được biết, các tổ dân phố/ phường đang tiếp tục thông tin đến người dân và thống nhất về quy trình, cách thức mua hàng, sau đó sẽ tổng hợp số lượng combo của người dân để đặt hàng với siêu thị AEON. Với hình thức mua sắm mới này, từ phía cơ quan địa phương và người dân có thể sẽ cần thêm thời gian để làm quen cũng như thống nhất về đầu mối nhân sự, lực lượng phụ trách tại từng địa phương, cách thức thanh toán, giao hàng với số lượng lớn trong một lần mua.
Về phía các siêu thị AEON, từ những đợt giãn cách trước đã có kinh nghiệm phục vụ số lượng lớn các đơn hàng gộp chung của nhiều hộ gia đình trong các khu chung cư, hoặc tổ dân phố tại các khu vực bị phong tỏa. Các combo hàng hóa đã có sẵn, với đa dạng từ thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, thịt, cá… đến thực phẩm khô và hóa mỹ phẩm.
Cũng theo vị đại diện này, trong 3 ngày cuối tuần vừa qua, do người dân đã mua trước và dự trữ nhiều mặt hàng nên dự kiến trong 2-3 ngày tới, số lượng đơn hàng đặt sẽ chưa nhiều. Bên cạnh đó, do ngày đầu thực hiện siết chặt giãn cách, một số nhân viên siêu thị AEON còn gặp khó khăn khi đi qua các chốt kiểm soát do chưa được cấp giấy đi đường mới. AEON Việt Nam vẫn đang tiếp tục làm việc với Sở Công thương TP.HCM để chuẩn bị giấy đi đường cho nhân sự được phép đi làm theo quy định và hướng dẫn của UBND TP.HCM và Sở.
Bà Nguyễn Thị Phương - Phó TGĐ Thường trực Công ty VinCommerce cho biết, theo sát sự chỉ đạo của Bộ Công thương và Sở Công thương TP.HCM ngày 23/8, gần 500 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ đã tăng gấp 4 – 5 lần lượng hàng hóa thiết yếu so với thời điểm đầu tháng 8 nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố.
Ghi nhận sơ bộ, ngày 23/8, lượng khách đến mua sắm trực tiếp giảm mạnh do các quy định phòng dịch khắt khe được tăng cường. Đơn hàng qua các kênh đặt hàng trực tuyến và điện thoại tăng mạnh. Tuy nhiên, hiện VinMart/VinMart+ chưa giao được hàng đến tay người tiêu dùng do nhân viên của hệ thống không được phép đi giao hàng.
Đơn vị đã ngay lập tức chủ động liên hệ trực tiếp với các phường/tổ dân phố để tìm phương án phối hợp với các lực lượng chức năng giao hàng đến nhân dân. Bên cạnh đó là kết nối với chương trình “Đi chợ hộ” thuộc các phường/tổ dân phố… nhằm nắm bắt nhu cầu, đề xuất danh mục hàng hóa thiết yếu cung ứng đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện chỉ 10% phường và tổ dân phố có phản hồi.
"Hiện tại, chúng tôi đang chờ sự chỉ đạo của Sở Công thương TP.HCM để sớm tháo gỡ những vướng mắc trong khâu giao hàng, phục vụ hàng hóa kịp thời đến nhân dân. Đồng thời, nắm bắt được nhu cầu thực tế của người dân, lên kế hoạch dự trữ hàng hóa phù hợp, đặc biệt với nhóm hàng tươi sống cần tiêu thụ trong ngày", bà Phương nhấn mạnh.
Đại diện của Saigon Co.op cho biết, đơn vị cơ bản đã sẵn sàng tham gia cung cấp hàng hóa cho người dân qua hình thức mua chung cho tất cả các vùng, riêng vùng xanh (shipper được phép hoạt động) sẽ bổ sung thêm hình thức online. Đặc biệt, Saigon Co.op cũng đang chờ hướng dẫn thêm của Sở Công thương để có hình thức hoạt động hiệu quả nhất.
Thông tin từ hệ thống bán lẻ Satra cho biết, hệ thống này bao gồm 3 siêu thị (Satramart Siêu thị Sài Gòn, Siêu thị Phạm Hùng và Siêu thị Củ Chi) cùng chuỗi các cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods tại TP.HCM và TP Cần Thơ đã có những phương án hoạt động, luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng trong những ngày 2 thành phố này áp dụng các biện pháp giãn cách mới.
Theo đó, 3 siêu thị Satramart, hơn 100 cửa hàng Satrafoods tại TP.HCM vẫn mở cửa hoạt động từ 7g đến 16g30 hàng ngày, thực hiện kinh doanh “3 tại chỗ”, đồng thời kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đảm bảo phương thức phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phù hợp đến người dân theo hình thức “Đi chợ hộ” của tổ Covid-19 cộng đồng.
Song song đó, hệ thống bán lẻ Satra cũng chủ động áp dụng phương thức bán hàng thiết yếu đặt trước hoặc chuẩn bị sẵn dưới dạng "combo" hay đơn hàng theo yêu cầu nhằm giúp người dân yên tâm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Ngoài ra, số lượng nhân viên thực hiện “3 tại chỗ” còn đảm bảo việc vệ sinh siêu thị, cửa hàng, châm hàng, nhận và sơ chế thực phẩm tươi sống… Ngoài việc thực hiện “3 tại chỗ”, hệ thống bán lẻ còn đang khẩn trương tập hợp thông tin nhân viên, phối hợp với phòng nhân sự Satra, Sở Công thương để có thể cung cấp giấy đi đường cho các nhân viên được giao nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, theo quyết định của UBND TP.HCM, việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân từ ngày 23/8 tới ngày 6/9 được thực hiện qua phương thức đi chợ hộ, do tổ hậu cần địa phương, tổ Covid cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, tổ dân phố… các lực lượng công an, quân đội đang được tăng cường tại địa phương cùng tham gia hỗ trợ với tần suất 1 lần/tuần, và tổ chức phân phối trực tiếp tới người dân (do hộ dân trả tiền).
Đối với người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trên cơ sở rà soát các đối tượng khó khăn, các đơn vị chức năng sẽ hỗ trợ hàng hóa thiết yếu, tổ chức cấp phát các túi an sinh miễn phí cho người dân, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn.