Tìm giải pháp để du lịch Việt Nam 'cất cánh' trong giai đoạn mới
(DNTO) - Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng chính sách visa, sự thiếu liền mạch, rời rạc của mô hình chuỗi giá trị du lịch…, đang là những điểm nghẽn kìm hãm sự phục hồi và phát triển của du lịch Việt Nam.
Đặt câu hỏi tại Hội nghị toàn quốc về du lịch với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”, ngày 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Ngành du lịch đi đúng hướng chưa, đã tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng, cả nước chưa? Đâu là nguyên nhân chủ quan khi mà du lịch Việt Nam mở cửa sớm, lại “đi trước về chậm”? Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp...?
Thủ tướng nhấn mạnh: Cần phải nỗ lực phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Với tư duy mới, cách làm sáng tạo, chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần"; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch "một mùa" sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách.
"Sau hội nghị này, cần phải ban hành một Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch, nếu cần cả Nghị định hoặc trình Quốc hội điều chỉnh, sửa đổi luật liên quan", Thủ tướng nêu rõ.
'Nới' visa- nút mở đầu tiên
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cho rằng: Có rất nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan khiến Việt Nam chưa hút được nhiều khách quốc tế. Trong đó, rào cản lớn hiện nay là chính sách visa.
Ông Trường cho hay, vừa qua, các chính sách visa du lịch của chúng ta cũng đã có những điểm tiến bộ về visa. Tuy nhiên, để có những đột phá hơn, có tính cạnh tranh trong tương lai và bền vững, chúng ta phải có những cải cách mạnh hơn nữa.
Ví dụ năm 2019 chúng ta đón 18 triệu lượt khách thì Thái Lan họ đón 40 triệu, 2023 chúng ta mục tiêu là 8 triệu thì họ đã đón 25 triệu và theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì năm 2030 chúng ta đón 35 triệu, trong khi Thái Lan đến năm 2027 họ là 80 triệu khách. Như vậy nếu như chúng ta không có các giải pháp đột phá ngay bây giờ thì chúng ta sẽ về sau.
"Nếu còn chậm trễ trong việc điều chỉnh chính sách visa, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội thu hút khách quốc tế và vô tình tạo điều kiện tốt mang đến lợi thế cạnh tranh cho những quốc gia khác trong khu vực", ông Trường nhận định.
Theo đó, đại diện Sun Group đưa ra 2 đề xuất: Thứ nhất, các bộ, ngành sớm xem xét phân tích, đánh giá, trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội để sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh.
"Kiến nghị các quy trình được rút gọn làm sao chỉ trong 1 kỳ họp là xong và có thể có hiệu lực ngay từ tháng 1/2023. Cụ thể, các nội dung tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế 90-180 ngày, thời gian tạm trú từ 30-45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần; đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30 -45 ngày và cũng cho nhập cảnh nhiều lần".
Giải pháp thứ 2, nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm. Ví dụ như hiện nay, thị trường Australia chi tiêu 4 tỷ USD/1 năm để đi du lịch, hay như Canada trên 33 tỷ USD, hoặc các nước Bắc Âu như Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ, họ đều chi từ 21 đến 26 tỷ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, những nước hiện nay thuộc chính sách được miễn visa.
Làm du lịch cần theo chuỗi liên kết
Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuỗi liên kết giá trị du lịch, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Johnathan Hạnh Nguyễn, cho rằng, để có thể phát triển toàn bộ mô hình chuỗi giá trị du lịch trên vai trò quản lý của nhà nước rất quan trọng trong việc định hướng, kết nối, điều phối và tạo điều kiện cho các thành phần tham gia cùng phát triển. "Vì vậy, tôi đề xuất Chính phủ nghiên cứu chủ trì phát động chiến dịch trên tương tự Thái Lan. Năm 2022, Thái Lan áp dụng chiến lược này và đón hơn 11 triệu lượt khách quốc tế".
Để vừa tăng trưởng số lượng khách du lịch, vừa tăng trưởng chi tiêu của khách, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất một số giải pháp đầu tư để góp phần phát triển các mảng còn thiếu của dịch vụ du lịch. Cụ thể, phát triển mô hình sức khỏe chữa trị y tế. Đây là loại hình du lịch có tốc độ tăng trưởng nhanh và mang lại doanh thu cao nhất trong các loại hình du lịch.
Vị này cũng đề xuất đầu tư xây dựng Trung tâm Outlet, bởi theo ông, hầu hết các nước đều có mô hình này, giảm giá từ 50%-90% để tăng chi tiêu mua sắm.
Ngoài ra, để phát triển du lịch, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đề xuất mô hình dịch vụ vui chơi giải trí. Theo ông, cần lựa chọn nhà đầu tư có năng lực hợp tác với các tổ chức quốc tế để phát triển các tổ hợp vui chơi, nghỉ dưỡng, casino và các công viên thương hiệu được nhận diện trên toàn thế giới sẽ thu hút nguồn khách quốc tế rất lớn và tăng trưởng tương tự như Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản.
"Việc đầu tư hệ thống hoàn thuế VAT- một trong những giải pháp nâng cao trải nghiệm của du khách quốc tế là đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian hoàn thuế VAT. Bên cạnh đó cần đầu tư hạ tầng sân bay để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng du lịch hiện nay. Chúng tôi tin tưởng nếu có những chiến lược, chính sách sẵn sàng thì không chỉ số lượng du khách nội địa mà du khách quốc tế sẽ ngày càng tăng trưởng nhanh hơn...", Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương nhấn mạnh.