Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ phục hồi từ giữa năm 2022
(DNTO) - Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ phục hồi từng bước khi lòng tin của người tiêu dùng được khôi phục, và du lịch khách quốc tế đến Việt Nam dự kiến sẽ được khôi phục dần từ giữa năm 2022.
Tại buổi họp báo trực tuyến ra mắt Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 4/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), ngày 5/4, ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng, Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm 2022.
Theo WB, trên 78% dân số đã được tiêm vaccine đầy đủ, nhưng nền kinh tế vẫn phải đối mặt với rủi ro tiêu cực liên quan đến các biến chủng mới phát sinh, tác động toàn cầu của việc Nga xâm chiếm Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng và sự tăng trưởng chậm lại của các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo đạt 5,3% trong năm 2022 và sau đó sẽ ổn định lại quanh mức 6,5% theo kịch bản các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng cả trong và ngoài nước. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ phục hồi từng bước khi lòng tin của người tiêu dùng được khôi phục và du lịch khách quốc tế dự kiến sẽ được khôi phục dần từ giữa năm 2022.
Liên quan đến câu chuyện làm gì để kéo du khách quốc tế trở lại, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt, cho biết vừa qua, tháng 11/2021, Việt Nam thí điểm mở cửa đón khách quốc tế, và ngày 15/3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam không nhiều như báo chí phản ánh.
Theo ông Việt, nguyên nhân của vấn đề này là do hoạt động đón khách du lịch quốc tế liên quan đến luồng khách (nơi gửi khách và nơi đón khách). Trong khi đó, dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua đã làm hoạt động đón khách du lịch bị gián đoạn, đứt gẫy. Sự kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch cũng bị ảnh hưởng. Do đó, cần có thời gian để các doanh nghiệp kết nối lại.
Bên cạnh đó, như thông lệ, thời điểm khách du lịch quốc tế đến đông sẽ từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Chúng ta kỳ vọng trong những ngày tới đây, lượng khách sẽ đông hơn. Việc đón khách quốc tế cũng có điểm khó như luồng khách đến Việt Nam chủ yếu từ Đông Bắc Á, chiếm 70%.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia hiện nay đang có những chính sách chống dịch khá chặt chẽ như Trung Quốc với chính sách "zero COVID" hay khách nhập cảnh vào Hàn Quốc vẫn phải cách li. Điều này cũng làm cho khách du lịch vẫn e ngại.
Tình hình giữa Nga và Ukraine cũng là yếu tố ảnh hưởng đến lượng khách du lịch tới Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp tới một số địa phương của chúng ta hay đón khách Nga như Khánh Hoà.
“Một yếu tố nữa cần nói đến là thời gian vừa qua lượng ca mắc Covid-19 của chúng ta tương đối nhiều. Do đó, khách du lịch quốc tế cũng thận trọng hơn khi chọn Việt Nam làm điểm đến”, ông Việt nhận định.
Trước tình hình này, Bộ VHTT&DL cũng đưa ra các nhóm giải pháp. Trước mắt, cần tiếp tục làm tốt việc truyền thông về các chính sách visa, y tế, nhập cảnh cũng như cần có thêm thông tin kết nối với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để khách quốc tế có thể được tiếp cận thêm nhiều thông tin về chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam.
“Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến các thị trường du lịch trọng điểm cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp lữ hành, du lịch có thể kết nối trở lại, tạo ra lượng cung - cầu tốt hơn. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ có nhiều chương trình khuyến khích, hỗ trợ để thu hút nguồn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn. Đặc biệt, về y tế, ta đã làm tốt việc kiểm soát dịch bệnh và điều trị tiếp đó là cần chính sách thông thoáng hơn về y tế để khách yên tâm khi đến Việt Nam”, ông Việt nói.
Các doanh nghiệp ngành du lịch cũng khá lạc quan và kỳ vọng thị trường du lịch thời gian tới sẽ khởi sắc hơn sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.
Ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội du lịnh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Dịch bệnh khiến chúng ta đã “rơi” gần 2 năm nay, hiện chúng ta đang ở khoảng lặng để chuẩn bị bật “lò xo”. Đây là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp nhìn lại mình. Chúng ta tiếp tục định hướng lại, nghiên cứu xem cần làm gì để có các sản phẩm du lịch mới mẻ và thu hút. Đồng thời tìm cách để hỗ trợ, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực… Tôi cho rằng, đó là những yếu tố cần làm trong thời điểm này. Và chúng ta chuẩn bị đón luồng gió mới, bước nhảy mới bắt đầu từ mùa hè năm nay”, ông Hải nói.
Với những tín hiệu tích cực và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, các chuyên gia đều cho rằng ngành du lịch Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ, sớm thu hút được khách du lịch quốc tế trở lại, và bước vào giai đoạn phát triển trong bối cảnh cả nước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.