Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam ra mắt Câu lạc bộ Du lịch Việt Nam
(DNTO) - Theo ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Việt Nam, đây là câu lạc bộ đầu tiên tập hợp và liên kết các doanh nghiệp lữ hành và các lĩnh vực khác liên quan đến du lịch, tạo môi trường giao lưu, chia sẻ cùng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong việc phát triển ngành du lịch Việt Nam.
Ngày 28/3, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Du lịch Việt Nam (tên tiếng Anh là Vietnam Travel Club), với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trong thời kỳ “bình thường mới”.
Chương trình hành động giai đoạn 2022-2025 của Câu lạc bộ Du lịch Việt Nam đặt ra nhiều chỉ tiêu đáng chú ý. Trong đó, Câu lạc bộ sẽ kịp thời nắm bắt, tổng hợp, đề xuất các ý kiến từ Tổng cục du lịch, Hiệp hội du lịch, các cụm Câu lạc bộ các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc, từ đó đề xuất, kiến nghị những cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp trẻ, tạo điều kiện phục hồi, phát triển du lịch cũng như góp ý cho các đề án, dự án, qui hoạch về du lịch trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.
Câu lạc bộ sẽ phối hợp cùng Tổng cục Du lịch, Hiệp hội du lịch Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách góp phần đưa Nghị quyết 08 của Bộ chính trị về Phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật du lịch 2017 thực sự đi vào cuộc sống trong tình hình “Bình thường mới”.
Đặc biệt, với chỉ tiêu kết nạp thành viên mới của các tổ chức Trung ương đến địa phương đạt trung bình 15%/năm, câu lạc bộ du lịch Việt Nam sẽ là cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch với cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lỉnh vực du lịch, bình đẳng trong quan hệ, trách nhiệm trong kinh doanh, góp phần xây dựng lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân, du lịch Việt Nam phát triển.
Bên cạnh đó, Câu lạc bộ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hội viên xây dựng, triển khai Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch để duy trì, ổn định và kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, xây dựng, phát triển sản phẩm “du lịch’’ và thị trường du lịch, đào tạo, bồi dưỡng, đối nội, đối ngoại, thông tin, quảng bá xúc tiến thương mại và kết nối hợp tác, giải pháp phát triển kinh tế số nâng cao giá trị doanh nghiệp du lịch trẻ và tài chính cũng được đưa vào chương trình hành động.
Chia sẻ tại Lễ ra mắt, ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Việt Nam cho biết: Trong khó khăn, các doanh nghiệp càng phải đoàn kết hơn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải cùng nhau kết nối, cùng chia sẻ và phát triển.
“Dịch bệnh khiến chúng ta đã “rơi” gần 2 năm nay, hiện chúng ta đang ở khoảng lặng để chuẩn bị bật “lò xo”. Đây là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp nhìn lại mình. Chúng ta tiếp tục định hướng lại, nghiên cứu xem cần làm gì để có các sản phẩm du lịch mới mẻ và thu hút. Đồng thời tìm cách để hỗ trợ, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực… Tôi cho rằng, đó là những yếu tố cần làm trong thời điểm này. Và chúng ta chuẩn bị đón luồng gió mới, bước nhảy mới bắt đầu từ mùa hè năm nay”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, mục tiêu Câu lạc bộ Du lịch Việt Nam ra mắt hôm nay là để kiện toàn toàn thể Ban chấp hành khóa đầu tiên, bao gồm 38 thành viên, 7 Ủy viên Ban Thường trực (gồm 1 Chủ tịch là ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Nam Á, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và 6 Phó Chủ tịch), thành lập 7 ban chuyên môn với nhiều nhiệm vụ cụ thể.
Thành viên Ban chấp hành đều là những người có kinh nghiệm ở các tỉnh, thành trong cả nước, và Ban chấp hành sẽ tập hợp với nhau, cùng hỗ trợ nhau để đưa ra các vấn đề, các mục tiêu cho sự phát triển chung của ngành du lịch, trong đó lấy nền tảng doanh nhân trẻ làm cơ sở.
Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Việt Nam chia sẻ thêm: Câu lạc bộ có chủ trương phát triển kinh tế số nâng cao giá trị doanh nghiệp du lịch trẻ. Theo đó, Câu lạc bộ sẽ thành lập Ban công nghệ số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy phát triển doanh nghiệp du lịch thông minh, phát triển nền kinh tế số trong toàn hệ thống chính trị và doanh nghiệp.
Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện chính sách của Hội, tạo điều kiện thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số…
Đặc biệt, theo ông Hải, trong cơ cấu tổ chức của Câu lạc bộ du lịch Việt Nam có Ban Phát triển Sản phẩm Tài nguyên Bản Địa với nhiệm vụ tìm kiếm các sản phẩm phục vụ du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, làng nghề, hộ kinh doanh cũng như các cá nhân hoàn thiện các dự án, ý tưởng sản xuất các sản phẩm từ Tài nguyên Bản địa; tư vấn phương pháp, giải pháp, công nghệ, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm cũng như tư vấn thiết kế bao bì, thương hiệu, nhãn hiệu…, và tiến đến lựa chọn những sản phẩm đạt đủ điều kiện được gắn logo của Câu lạc bộ.
Đồng thời, đây là một chuỗi hoạt động hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp Quốc gia, phù hợp với chỉ đạo của Chính Phủ trong việc đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ du lịch, đặc biệt là sản phẩm Tài nguyên Bản địa Việt Nam. Góp phần quảng bá cho sản phẩm đặc sản Việt Nam đến với du khách trong và ngoài nước...
Một số hình ảnh trong buổi Lễ ra mắt Câu lạc bộ Du lịch Việt Nam: