Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Nga trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
(DNTO) - Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các công ty khởi nghiệp về công nghệ thông tin.
Ngày 28/4, Hiệp hội phần mềm Nga (RUSSOFT), Ủy ban Đối ngoại thành phố Saint Petersburg phối hợp Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Hội người Việt Nam tại LB Nga tổ chức Diễn đàn Nga - Việt lần thứ nhất về trí tuệ nhân tạo (AI), theo hình thức trực tuyến. Công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo là những lĩnh vực đầy tiềm năng hợp tác giữa hai nước.
Tham dự diễn đàn, có ông Vyacheslav Kalganov, Phó Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại thành phố St. Petersburg; bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA); ông Valentin Makarov, Chủ tịch Hiệp hộp phần mềm Nga Russoft; ông Andrey Bezrukov, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Chủ quyền Công nghệ Nga; cùng các chuyên gia Nga và Việt Nam; đông đảo đại diện các công ty công nghệ, cơ sở đào tạo và sinh viên hai nước
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg Vyacheslav Kalganov nhắc lại quyết định của Thống đốc Saint Petersburg coi hợp tác với Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của thành phố. Ông Kalganov khẳng định, chủ đề về trí tuệ nhân tạo rất thiết thực, trong bối cảnh nhu cầu hệ thống điều khiển và tự động hóa ngày càng cao, đồng thời hy vọng, diễn đàn mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) Nguyễn Thị Thu Giang đã giới thiệu khái quát về tình hình phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam. Bà khẳng định, Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh và ổn định, nhân lực dồi dào. Với thị trường viễn thông và CNTT phát triển không ngừng, Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các công ty khởi nghiệp. Cũng theo bà, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh nguồn nhân lực CNTT. Khoảng 260 trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam đào tạo về CNTT, với hơn 40.000 sinh viên tốt nghiệp năm 2020, gần 200.000 sinh viên đang học đại học.
Chính phủ Việt Nam cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi thúc đẩy ngành CNTT, phát triển đội ngũ nhân sự cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam hiện có nhu cầu về chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ kỹ thuật số, thành phố thông minh, đào tạo về công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Big Data… Bà Nguyễn Thị Thu Giang Đánh giá cao trình độ CNTT của Nga, cũng như tiềm năng hợp tác với Việt Nam.
Chủ tịch RUSSOFT Valentin Makarov đề xuất, Nga và Việt Nam có thể thúc đẩy các dự án chung thiết kế và sản xuất các nền tảng cho thị trường phần mềm toàn cầu; thành lập các liên doanh phân phối phần mềm tại thị trường của nhau, cũng như hợp tác trong các lĩnh vực xây dựng thành phố, năng lượng thông minh, hệ thống trao đổi và thanh toán quốc tế, triển khai cơ sở hạ tầng CNTT chung trên lãnh thổ Á - Âu…
Tại diễn đàn, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp đã thảo luận về tình hình trong lĩnh vực công nghệ cao ở hai nước và các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, nêu những ưu tiên hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực CNTT và chuyển đổi kỹ thuật số, đồng thời đưa ra các đề xuất tương tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.