Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Không để dịch bệnh diễn ra, không được để dân ăn mỳ gói dài ngày
(DNTO) - Ngày 2/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế về Quảng Nam kiểm tra công tác y tế trong phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai.
Tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My, nơi đang điều trị các nạn nhân trong vụ sạt lở đất tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, BS. Trần Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My, Quảng Nam, cho biết: Tối 28/10, sau khi vụ sạt lở đất xảy ra, các nhân viên y tế của Trung tâm Y tế Nam Trà My đã băng rừng đi bộ tới các xã bị sạt lở như Trà Leng (2 điểm), Trà Mai, Trà Vinh... để tìm kiếm các nạn nhân và khiêng họ bằng võng hàng chục cây số tới cơ sở y tế để cấp cứu, phân loại và chuyển những người bị nặng tới Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam.
Có điểm sạt lở trên đất Nam Trà My, nhưng Trung tâm Y tế Nam Trà My lại không tiếp cận được do đường bị chia cắt. Trung tâm Bắc Trà My đã kịp thời chi viện.
“Ngay sau khi có tin xảy ra các vụ sạt lở đất trên địa bàn tại những nơi không có dân cư và tại huyện Nam Trà My, Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My đã cử các tổ y tế tới hiện trường, phối hợp với quân y thu dung, phân loại bệnh nhân, chuyển những người bị thương nặng tới Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam để mổ cấp cứu kị thời”, BS Nguyễn Lương Trung, Giám đốc Trung tâm Y tế Bắc Trà My cho hay.
Hiện Trung tâm Y tế Trà My đang điều trị 9 nạn nhân, họ đã được kiểm tra các vết thương, được điều trị bằng những loại thuốc tốt nhất, đồng thời cũng được trợ giúp về tâm lý, bởi một số bệnh nhân có người thân tử vong hoặc vẫn đang bị mất tích. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế Bắc Trà My cũng khẩn trương thực hiện các biện pháp dự phòng, tiến hành khử trùng tiêu độc tại các địa điểm sạt lở đất, chôn xác gia súc gia cầm để không gây ô nhiễm môi trường.
BS. Thu cho hay, Trung tâm Y tế Nam Trà My chỉ có một chiếc xe cấp cứu, đang phải hoạt động quá công suất và đang cần thêm một chiếc xe nữa. Máy phát điện 100KVA của Trung tâm đã bị hư hỏng và Trung tâm đang rất cần chiếc máy phát điện khác thay thế.
Các bệnh viện tuyến trung ương tại miền Trung như Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam sẵn sàng đưa xe cấp cứu, trang thiết bị, nhân viên y tế trợ giúp các Trung tâm Y tế của hai huyện Bắc và Nam Trà My.
BS. Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng sẵn sàng chuyển cho Trung tâm Y tế Nam Trà My máy siêu âm, máy phát điện 25 KVA và một số trang thiết bị khác theo nhu cầu cụ thể của hai Trung tâm Y tế Bắc và Nam Trà My.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã chia sẻ những đau thương, tổn thất mà người dân Quảng Nam phải gánh chịu trong những thiên tai vừa qua, đồng thời biểu dương những nỗ lực của ngành y tế tỉnh trong việc ứng phó với thiên tai, cấp cứu các nạn nhân bị sạt lở đất.
“Các việc cần làm lúc này là vệ sinh tốt môi trường không được để dịch bệnh xảy ra; tăng cường dinh dưỡng cho người dân ở những khu vực vừa có thiên tai, không được để người dân phải ăn mì gói dài ngày; trợ giúp tâm lý cho những người có gia đình bị mất do lở đất và lũ lụt”, Thứ trưởng Sơn nói.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam cần rà soát, rút kinh nghiệm để ứng phó với cơn bão số 10.Thứ trưởng chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ Y tế tổng hợp nhu cầu của y tế địa phương để kịp thời phối hợp với Bộ Tài chính trợ giúp.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã tặng ngành y tế Quảng Nam 25 bộ dụng cụ phòng chống bão lụt, 500 nghìn viên xử lý nước Aquatabs…