Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Số người rút BHXH một lần chiếm tỷ lệ hơn 70% đang là thực trạng day dứt

(DNTO) - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Văn Hồi cho rằng, vấn đề rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là một thực trạng rất day dứt. Thống kê giai đoạn 2016 - 2022, con số này lên đến 3,5 triệu người, thường rơi vào các trường hợp đóng dưới 5 năm.

Trong giai đoạn 2016-2022, số người rút bảo hiểm bảo hiểm xã hội một lần lên đến khoảng 5 triệu người. Ảnh: TL.
Trong khuôn khổ Chuyên đề 2 "Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới" của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, chiều 19/7, chính sách bảo hiểm xã hội là một trong những nội dung được đưa ra để các đại biểu tham gia góp ý.
Trao đổi về nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi bày tỏ: Rút bảo hiểm xã hội một lần đang là thực trạng hết sức day dứt. Trong giai đoạn 2016- 2022, số người rút bảo hiểm bảo hiểm xã hội một lần lên đến 3,5 triệu người. Trong đó, số người rút bảo hiểm bảo hiểm xã hội một lần thường rơi vào các trường hợp đóng dưới 5 năm (70%). Nguyên nhân là do người lao động chưa nhận thức được hết vai trò của bảo hiểm xã hội trong bảo đảm an sinh xã hội trong cả cuộc đời.
"Nhiều khi người lao động có những khó khăn, họ xin rút bảo hiểm xã hội trong khi số tiền không lớn. Đóng 5 năm thì số đó chỉ bằng 5-10 tháng lương, nhân ra chỉ khoảng 25-30 triệu...", Thứ trưởng nói.
Một nguyên nhân khác được Thứ trưởng nhắc đến là do người lao động có thu nhập thấp, tích luỹ thấp, khi mất việc làm thì họ cần một khoản tiền để giải quyết những khó khăn trước mắt. "Ngoài ra, nhiều người vẫn nghĩ hệ thống bảo hiểm không quan trọng trong tương lai".
Về các giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hồi cho rằng, Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cần có các chính sách để tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội; các chính sách hỗ trợ tạm thời cho người lao động trong các hoàn cảnh khó khăn trước mắt…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đánh giá việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội hết sức quan trọng và cần thiết, đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023-2024. Những định hướng lớn nhất sửa đổi luật nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28 và hướng đến bảo đảm an sinh xã hội toàn dân và bảo đảm an sinh xã hội cho toàn lực lượng lao động.
Về đối tượng sửa đổi, Thứ trưởng cho biết, Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội bổ sung nhóm lực lượng lao động là chủ hộ gia đình, có khoảng 2 triệu chủ hộ gia đình có đăng ký kinh doanh và có đóng thuế.
"Cần thiết bổ sung nhóm đối tượng quản lý hợp tác xã và cơ sở kinh doanh; bổ sung nhóm chế độ hưu trí bảo hiểm xã hội cho những người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên. Qua đó, giúp gia tăng độ bao phủ chính sách bảo hiểm xã hội", Thứ trưởng cho hay.
Chia sẻ về chính sách rút BHXH một lần trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, Dự án luật có 5 nhóm chính sách lớn và 11 vấn đề mà Chính phủ đã trình.
Ông Phong nhấn mạnh, Chính phủ đưa ra 2 phương án quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần trong dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Trong đó, phương án 1 là tiến tới không cho rút một lần (với những trường hợp bắt đầu tham gia hệ thống từ thời điểm luật có hiệu lực - tháng 7/2025). Phương án thứ 2, chỉ cho rút 50% khoản tiền đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
"Phương án nào Chính phủ đưa ra cũng có ưu, nhược điểm và cần đánh giá thật kỹ. Khi tham vấn, người lao động có rất nhiều ý kiến khác nhau về các phương án. Trong đó, có ý kiến không đồng ý cả 2 phương án đưa ra trong dự thảo luật vì cho rằng phương án 1 sẽ dẫn đến mất công bằng với người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực.
Với phương án thứ 2, có ý kiến cho rằng, tỷ lệ tiền chủ sử dụng đóng cho người lao động về bản chất cũng là tiền của người lao động. Vậy tại sao lại chỉ cho rút 50% chế độ, căn cứ để đưa ra mức tỷ lệ đó chưa được giải trình rõ... Quan điểm của Ủy ban là bất kỳ phương án thì mục đích cũng phải đảm bảo chính sách bảo hiểm xã hội thực sự là giải pháp lâu dài cho người lao động.
Ông Phong thông tin thêm về độ tuổi rút bảo hiểm, qua nghiên cứu là từ 20 đến 40 tuổi và theo vùng miền thì Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ rút là chính còn miền Trung, Tây Nguyên, miền Bắc rút không đáng kể.
Ngoài giải pháp trực tiếp là sửa luật thì có giải pháp gián tiếp như cơ chế tín dụng với lãi suất thấp khi gặp khó khăn, chính sách bảo đảm việc làm ổn định... để đáp ứng yêu cầu, giải quyết bài toán cho vấn đề này.
"Xác định, đây là vấn đề nhạy cảm, có tính chất xã hội nên Ủy ban Xã hội sẽ cân nhắc kỹ lưỡng các ý kiến, tiếp tục tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học... để có căn cứ rõ hơn về vấn đề này", ông Phong nhấn mạnh.