Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 'Cải cách môi trường kinh doanh đang có dấu hiệu chững lại'
(DNTO) - "Số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tuy giảm về hình thức nhưng thực chất nội hàm của ngành nghề lại mở rộng hơn. Nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hiệu quả đã gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nói.
Tại hội thảo "Tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh: Lựa chọn cải cách cho phát triển doanh nghiệp" ngày 6/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh: Dù đã cắt bỏ, đơn giản hóa được 50% số điều kiện kinh doanh nhưng thời gian gần đây, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và cải cách điều kiện kinh doanh nói riêng đã có dấu hiệu chững lại. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.
Đáng chú ý, ở một số lĩnh vực rào cản thậm chí còn nặng nề hơn, nhất là các rào cản về điều kiện kinh doanh. Điều này làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp.
"Một số khó khăn nổi bật khác cũng được nhận diện, như quy định quá nhiều chứng chỉ, hạn chế phân cấp trong cấp phép hay việc phải thực hiện thủ tục điều chỉnh các loại giấy phép con nhiều lần ngay cả khi không có thay đổi về nội dung ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động đã được cấp phép…", ông Đông chỉ rõ.
Đặc biệt, các rào cản về môi trường kinh doanh hiện được “lồng ghép” trong các thông tư ban hành điều kiện kinh doanh, “ẩn mình” trong trong các dạng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Tình trạng này đang được phản ánh khá nhiều thời gian trước. Việc “cài cắm” điều kiện kinh doanh trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vẫn còn tồn tại. Điều này khiến cho việc ban hành điều kiện kinh doanh không được kiểm soát chặt chẽ và dễ dàng bị lạm dụng.
Nêu cụ thể những khó khăn, vướng mắc, bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, phản ánh có những bất cập đã kéo dài 5 năm chưa được giải quyết khiến doanh nghiệp đang từng ngày phải chịu đựng rất nhiều tổn thất.
Bà Chi trần tình, ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19, chỉ đạo “Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 theo hướng bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt” và bãi bỏ quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa thấy kế hoạch này được Bộ Y tế triển khai, thay vào đó là việc thường xuyên tổ chức lấy ý kiến các bên liên quan và đề xuất Chính phủ chỉ đạo đi ngược với Nghị quyết 19.
“Thực tế này cho thấy những bất cập của các bộ, ngành trong việc thực thi các chỉ đạo của Chính phủ trong nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng tôi chỉ mong các quy định không làm ảnh hưởng và kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế”, bà Chi quan ngại.
Tương tự, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biết xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bức xúc khi doanh nghiệp và xuất khẩu đang đối diện với khó khăn bủa vây lại phải "è cổ" chạy theo hàng loạt quy định mới.
“Sau 2 năm bị đại dịch lại tiếp đến khủng hoảng và suy giảm kinh tế toàn cầu, sức chống chịu của doanh nghiệp đã tới hạn. Đây không phải là nỗi lo mới, các doanh nghiệp đã nhiều lần lên tiếng vì “không biết ứng xử thế nào”. Cách hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất là đừng ban hành thêm gì cả” ông Nam nói.
Theo đó, để cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), đưa ra đề xuất, kiến nghị đối với các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02 năm 2022 và Nghị quyết số 01 năm 2023.
Đồng thời đại diện CIEM kiến nghị Chính phủ kiểm soát việc đề nghị bổ sung ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh mới. Đặc biệt, không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản cho đầu tư, kinh doanh khi ban hành văn bản pháp luật mới hay sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật hiện hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tham vấn, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật.