'Khoảng 38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính'
(DNTO) - Mặc dù nhà nước đã có nhiều cố gắng trong việc cải cách thủ tục hành chính nhưng theo kết quả thông kê, khoảng 38% doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin, trong đó phần nhiều là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp hoạt động có quy mô lớn.
Nêu thực trạng tại Hội nghị "Đối thoại tháo gỡ khó khăn trong thực thi chính sách và thực hiện thủ tục hành chính về tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới", ngày 24/2, ông Trương Đức Trọng, Ban pháp chế VCCI cho hay, kết quả từ một số khảo sát về mức độ hài lòng của doanh nghiệp với thủ tục xuất nhập khẩu giai đoạn 2020 - 2022 ghi nhận khoảng 38% doanh nghiệp cho biết vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu, tra cứu thông tin và hỏi đáp giải quyết vướng mắc trên cổng một cửa quốc gia.
Cụ thể, khi khảo sát về thực hiện các thủ tục hải quan, các doanh nghiệp cho biết quy định thiếu nhất quán và sự phối hợp thiếu động bộ giữa các cơ quan gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ thuế; vẫn còn tình trạng thời gian kiểm tra kéo dài và nội dung kiểm tra bị chồng chéo; doanh nghiệp thường gặp trở ngại ở giai đoạn trước khi khai hải quan và ở giai đoạn khai hải quan.
Về vấn đề quản lý và kiểm tra chuyên ngành còn nhiều bất cập, các doanh nghiệp cho biết trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp; danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành quá nhiều; việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà; thủ tục kiểm tra chuyên ngành tuy đa số được thực hiện kiểm tra tập trung tại các cửa khẩu nhưng vẫn có trường hợp doanh nghiệp phải tới tận các Bộ ngành mới giải quyết xong việc...
Chỉ rõ những điểm nghẽn, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, hiện nay, với hàng hóa cần phải kiểm tra chuyên ngành, quy trình thông quan vẫn phức tạp.
Ví dụ như mặt hàng kính xây dựng, trước thời điểm năm 2021 chỉ cần có giấy chứng nhận chất lượng của đơn vị thứ 3 được Bộ Xây Dựng chỉ định thì tờ khai được thông quan. Còn từ thời điểm năm 2021 tới nay, ngoài việc có chứng nhận kiểm tra chất lượng sản phẩm của đơn vị được chỉ định của Bộ Xây dựng thì còn phải làm thêm bước nộp hồ sơ với Sở Xây dựng để ra “Kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu” mới được thông quan hàng hoá.
"Đáng nói là tất cả các bước trong quy trình như việc đăng ký - nhận kết quả - nộp thông báo để thông quan tờ khai đều đang phải thực hiện với hồ sơ giấy nên mất rất nhiều thời gian đi lại của doanh nghiệp", ông Hưng nhận định.
Theo ông Hưng, nên nghiên cứu thực hiện kết nối điện tử cho việc đăng ký kiểm tra chất lượng và trả kết quả giữa các đơn vị kiểm tra, giữa Bộ Xây dựng với hải quan để rút ngắn thời gian thông quan tờ khai. Đồng thời, giao cho một đầu mối là cơ quan hải quan căn cứ trên chứng thư công bố quy chuẩn chất lượng của nhà sản xuất và bên thứ ba là cơ quan kiểm định hàng hóa xuất nhập khẩu để hoàn thành các thủ tục thông quan, cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, phản ánh, việc cấp C/O chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hiện tại vẫn còn tốn nhiều thời gian và phức tạp về hồ sơ, chứng từ khi các doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị. Thậm chí, một số doanh nghiệp trong ngành chế biến xuất khẩu điều sau khi các Cục Hải quan kiểm tra còn bị phạt về làm C/O không đúng với quy định nguồn gốc xuất xứ.
"Doanh nghiệp rất mong VCCI là cơ quan cấp C/O đơn giản hóa các hồ sơ, tài liệu, chứng từ khi đề nghị cấp C/O, tạo cơ chế để giúp cho các doanh nghiệp vẫn tuân thủ đúng quy định về xuất khẩu nhưng giảm thiểu tối đa thời gian các thủ tục hành chính, tăng tốc độ xuất khẩu hàng hóa, kịp thời giao hàng và bộ chứng từ đáp ứng thời gian, tiến độ của các đối tác nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam", ông Huyên cho hay.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay trong tạo thuận lợi thương mại là phải cắt giảm được chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Theo đó, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tự giác tuân thủ pháp luật và mở rộng quản lý rủi ro, giảm tần suất kiểm tra thực tế.
Đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, hiện nay chưa thể gom về một đầu mối thì cần tăng cường chuyển đổi số, đảm bảo truyền dữ liệu thông suốt giữa các đơn vị quản lý. Song song đó, tiếp tục mở rộng mạng lưới đại lý hải quan làm mũi nhọn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện, tuân thủ đúng các quy định về xuất nhập khẩu.