Thế hệ tài phiệt Gen Y của châu Á - Bài 1: Cái bẫy 'ba đời'

(DNTO) - Một tầng lớp tài phiệt mới, thuộc thế hệ Gen Y, đang dần nổi lên ở châu Á. Khác với những người đi trước, thế hệ tài phiệt mới này khôn ngoan hơn và ý thức được trách nhiệm của họ.

Giới tài phiệt châu Á đang tạo ra một làn sóng những người thừa kế. Ảnh: The Economist
Cái bẫy “ba đời”
Câu chuyện về một gia đình giàu có trở nên suy tàn chỉ sau ba thế hệ là hiện tượng xảy ra nhiều lần trong lịch sử, khắp nơi trên thế giới.
Nhà thơ nổi tiếng người Anh, John Dryden (1631-1700), từng viết “Seldom three descents continue good” (Hiếm khi ba thế hệ nối tiếp cái tốt). Vào thế kỷ 19 ở Mỹ, có câu nói “Shirtsleeves to shirtsleeves” (Từ ống tay áo đến ống tay áo), mô tả một gia đình từ “xắn ống tay áo” lao động gầy dựng tài sản, đến mặc “ống tay áo” làm quản lý và rồi quay lại làm kẻ lao động. Dân gian Việt Nam cũng có câu thành ngữ “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, mô tả điều tương tự.

Các công ty gia đình giàu có nhất châu Á. Ảnh: The Economist. Việt hóa: Xuân Hạo
Với làn sóng những người “siêu giàu” đang nổi lên từ các thị trường mới, hiện tượng “ba đời” lại một lần nữa được kiểm chứng, đặc biệt là ở các nước châu Á đang phát triển. Cư dân châu Á đang góp phần thổi phồng số lượng những người có tài sản hơn 500 triệu đô la. Con số này đã tăng từ 2.700 lên thành 7.100 người trong khoảng thời gian 2011-2021, theo dữ liệu của Ngân hàng Credit Suisse.
Thế hệ những người thừa hưởng ngày càng giao tiếp rộng rãi hơn, nhưng vẫn biết trung hòa giữa nhu cầu của gia đình và bản thân.
Trong vòng một thập kỷ qua, tỷ lệ người giàu đến từ các nước đang phát triển đã tăng từ 37% lên thành 52%. Những nhà tài phiệt châu Á đã đóng góp nhiều hơn cho tỷ lệ này so với châu Mỹ Latin và châu Phi. Vào 2022, tổng thu nhập của các hãng do những gia đình châu Á làm chủ nằm trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới đã vượt 1 nghìn tỷ đô la, theo nghiên cứu của Đại học St. Gallen, Thụy Sỹ.
Nhìn thoáng qua, hiện tượng tài phiệt “ba đời” ở châu Á có vẻ đang khả quan hơn cho những “trưởng lão” giàu có tìm kiếm người thừa kế. Thế hệ khởi nghiệp đã gầy dựng tài sản của họ bằng việc kinh doanh những ngành vốn dĩ “cưỡi theo” sức bật phá của nền kinh tế trong nước, chẳng hạn như ngành xây dựng hay khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Thế hệ những người thừa hưởng ngày càng giao tiếp rộng rãi hơn, nhưng vẫn biết trung hòa giữa nhu cầu của gia đình và bản thân. Cùng lúc, họ nhận thức rất rõ trách nhiệm không được để tài sản kế nghiệp sa vào vấn nạn tiêu tan của cải gia đình.

Tỷ lệ vốn đầu tư mạo hiểm đến từ từng vùng. Ảnh: The Economist. Việt hóa: Xuân Hạo
Theo lời một nhà tài phiệt thừa hưởng tài sản của cha ông, khi kế nhiệm cương vị lãnh đạo từ thế hệ trước, họ tin rằng mình phải có trọng trách nối tiếp sự nghiệp kiến tạo tài sản qua nhiều thế kỷ, tương tự như gia đình Rothschild nổi tiếng.
Học một sàng khôn
Để có thể thấy được những nhà tài phiệt trẻ này mang khát vọng trở thành như gia đình Rothschild ra sao, ta có thể nhìn vào nền tảng giáo dục của họ. Phần lớn họ đều du học nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ.
Adrian Cheng, cháu trai của Cheng Yu-tung, một ông trùm bất động sản Hồng Kông, đã học tại Đại học Harvard.
John Riady, sinh ra ở New York, thuộc một triều đại kinh doanh giàu có ở Indonesia, đã theo học Đại học Georgetown, trước khi lấy bằng MBA tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania và bằng luật của Đại học Columbia.
Isha Ambani, con gái của tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani, tốt nghiệp Yale và sau đó là Cao học Kinh doanh của Đại học Stanford vào năm 2018.
Nền tảng giáo dục từ nước ngoài là một khác biệt lớn của thế hệ tài phiệt mới so với cha ông của họ, hầu hết còn không có bằng đại học. Hơn thế nữa, thế hệ trẻ còn theo đuổi một chặng đường nghề nghiệp vững vàng trước khi tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình.
Năm 2022, tổng thu nhập của các hãng do những gia đình châu Á làm chủ nằm trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới đã vượt 1 nghìn tỷ đô la.
Bài 2: Tư duy Gen Y