Thấy gì qua cuộc xung đột Nga – Ukraine?
(DNTO) - Chiến tranh tại Ukraine diễn ra trong điều kiện toàn cầu hóa và sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nên tác động của nó đối với cả thế giới là vô cùng to lớn, chưa từng có trong lịch sử.
Nói đến xung đột là nói tới mâu thuẫn dẫn tới tranh giành, cạnh tranh và cao hơn nữa là chiến tranh. Xung đột ở cấp độ thấp, nhỏ lẻ là xung đột về nguồn nước, tài nguyên, thương mại, xung đột biên giới. Mức độ cao hơn là cạnh tranh quyết liệt dẫn tới chiến tranh. Chiến tranh do xung đột gây ra cũng có dạng thức khác nhau, có chiến tranh lạnh và chiến tranh nóng.
Trong thế kỷ trước có cuộc chiến tranh lạnh giữa một bên là Liên Xô và bên kia là Mỹ đứng đầu kéo dài cả 7 thập kỷ với cuộc chạy đua vũ trang vô cùng gay gắt, quyết liệt, làm hao tổn sức lực, trí tuệ và tổn thương cho cả hai bên. Cuộc chiến tranh này kết thúc với sự tan rã của Liên Xô và Mỹ cũng bị xuống sức trông thấy.
Chiến tranh nóng do xung đột gây ra phải kể đến hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ trước: Những tổn thất về người, vật chất và sức tàn phá về tinh thần do 2 cuộc chiến tranh này gây ra đã vượt xa tất cả những gì mà loài người gánh chịu trong toàn bộ lịch sử.
Có 3 nguyên nhân chính từ xung đột thành chiến tranh là: Thứ nhất, xung đột về lợi ích quốc gia dân tộc; Thứ hai mâu thuẫn về thể chế chính trị, giai cấp, dân tộc và tôn giáo; Thứ ba, sự ham hố quyền lực bị tác động bởi quy luật luật phát triển không đồng đều. Chính sự áp đặt cường quyền làm nảy sinh xung đột và dẫn tới các cuộc chiến tranh nóng đẫm máu.
Cuộc xung đột Nga – Ukraine không phải là ngoại lệ. Có thể cắt nghĩa nguyên nhân của sự kiện này. Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, cùng với việc Liên Xô bị chia tách thành nhiều nước, còn lại một nước Nga suy yếu, Hiệp ước Vacsava do Liên Xô đứng đầu đã nhanh chóng biến mất. Trong khi đó khối NATO của Mỹ và phương Tây vốn để đối địch với khối Hiệp ước Vacsava, không những không mất đi mà lại được củng cố thêm.
Đặc biệt, rất nhiều nước trước đây thuộc Liên Xô và thuộc khối Vacsava lại được thu nạp vào khối NATO thù địch. Điều nguy hiểm nhất đối với nước Nga chính là chính quyền Ukraine được NATO hậu thuẫn đã liên tục gây thù địch với Nga và đang muốn nhanh chóng gia nhập NATO.
Sau 30 năm thăng trầm, nước Nga dưới thời Tổng thống Putin đã không ngừng lớn mạnh, đặc biệt là sức mạnh quân sự ngày càng được tăng cường với khối lượng và vũ khí hiện đại, đặc biệt là vũ khí hạt nhân hàng đầu thế giới. Không thể chấp nhận việc “không gian hậu Xô Viết” đã ngày càng bị thu hẹp và đến mức cả đất nước Ukraine từng là anh em “như chân với tay” trong lịch sử, nay trở mặt thành một thế lực thù địch. Nga coi Ukraine là “lằn ranh đỏ” đối với sự mở rộng của NATO và điều khó tránh cũng đã tới. Nga đã quyết định thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”.
Hơn 80 kể từ chiến tranh thế giới thứ II, chiến tranh tại Ukraine hiện nay trở thành cuộc chiến thảm khốc nhất, rung chuyển thế giới. Mỹ và NATO đang thổi lửa vào cuộc chiến tranh này nhằm làm suy yếu đến bại hoại nước Nga. Giới chức cầm quyền Ukraine lại coi cuộc chiến tranh thể hiện sự quả cảm để bảo vệ nền dân chủ phương Tây. Các nhà bình luận quân sự coi đây là cuộc chiến tranh ủy nhiệm của Mỹ và NATO cho Ukraine “dũng cảm”.
Nhìn sâu rộng hơn, đây là cuộc chiến giải quyết mâu thuẫn giữa hai hệ thống chính trị, hai quan điểm về toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, hai học thuyết về an ninh quốc gia. Cuộc chiến tranh làm phân tâm dư luận, gây nên các cuộc cạnh tranh và tập hợp lực lượng, trạt tự đơn cực toàn cầu bị xói mòn nặng nề và chuyển dịch sang thế đa cực.
Chiến tranh tại Ukraine diễn ra trong điều kiện toàn cầu hóa và sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nên tác động của nó đối với cả thế giới là vô cùng to lớn, chưa từng có trong lịch sử. Cuộc chiến trở thành bãi thử vũ khí hiện đại hàng đầu của Mỹ, NATO và Nga với những hậu họa vô cùng thảm khốc. Chiến tranh gây ra khủng hoảng đối với nền kinh tế thế giới, đứt đoạn và tắc nghẽn giao thương, giá cả hàng hóa dịch vụ tăng vọt, lạm phát tăng cao, giá trị của các loại tiền tệ bị đảo lộn, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người, nhất là nạn đói khát vì cả Nga và Ukraine đều là vựa lương thực lớn nhất thế giới.
Nguyện vọng của nhân loại là muốn sống trong hòa bình, vậy nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy ra. Ai thắng ai trong cuộc chiến này chưa thể thấy rõ thậm chí nhiều người cho rằng cả hai đều không thắng nhưng tổn thất và giá đắt phải trả thì đã nhãn tiền. Với Nga, chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh đã không thành công, kinh tế bị bao vây cấm vận chưa từng có, tổn thất về người và của rất lớn, quan hệ đối ngoại bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ukraine luôn tự cho mình là dũng cảm chống Nga để đến với phương Tây nhưng đất nước tang thương, kinh tế kiệt quệ, hàng vạn binh lính thiệt mạng, hàng triệu người dân phải tha phương, thành phố làng mạc tan nát, chỉ mang lại lợi ích cho phương Tây.
Với Mỹ, dù đã đổ nhiều chục tỷ đô la, nhiều ngàn tấn vũ khí cho Ukraine, dù các biện pháp trừng phạt Nga mạnh nhất đã được áp dụng nhưng tất cả đều chưa hiệu quả mà đang tác động ngược làm kinh tế Mỹ suy thoái. Việc cô lập Nga cũng khó vì các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, nhiều nước châu Phi, Mỹ La tinh và Trung Đông cũng không nghe theo lời Mỹ. Uy tín của Tổng thống Biden trong nước chưa tới 40%, trong khi uy tín của Tổng thống Putin là trên 80%.
Cuộc chiến làm cho các nước phương Tây vừa thống nhất, vừa chia rẽ. Họ thống nhất với mức độ khác nhau trong việc chống Nga và cũng chia rẽ, mất đoàn kết với mức độ khác nhau vì các lợi ích kinh tế khi thực hiện các lệnh cấm vận Nga. Điểm chung của các nước này là lạm phát đang tăng cao, đời sống nhân dân khó khăn nhiều mặt và một số chính phủ bị sụp đổ.
Có nhiều câu hỏi là tại sao phương Tây đã tung ra rất nhiều lệnh cấm vận, huy động mọi sức mạnh quân sự, kinh tế, ngoại giao nhưng Nga không chùn bước? Mục tiêu của hai bên chiến tuyến đang tăng lên như Ukraine muốn giành lại từng tấc đất từ Nga, còn Nga muốn xóa bỏ chế độ hiện tại của Ukraine liệu có thực hiện được không? Trả lời những câu hỏi này không nên bằng bom đạn, mà phải bằng cách khác. Đành rằng, vũ khí phê phán không thể thay thế sự phê phán bằng vũ khí, nhưng dư luận quốc tế mong muốn cuộc chiến này sớm được chấm dứt và tốt nhất là giải quyết bằng ngoại giao, đàm phán.