Tham tán thương mại tại Anh: 'Năng lực quản trị rủi ro của nhiều doanh nghiệp Việt còn yếu'
(DNTO) - Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, cho biết kỹ năng quản trị rủi ro của nhiều doanh nghiệp còn yếu kém, dẫn đến bất lợi khi làm việc với đối tác nước ngoài, trong đó có Anh.
Bất lợi vì quản trị rủi ro kém
Sau 1 năm chính thức thực thi đầy đủ (1/5/2021 - 1/5/2022) và gần 1 năm rưỡi có hiệu lực tạm thời (1/1/2021), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) đã giúp xuất khẩu Việt Nam đạt hơn 5,7 tỷ USD trong năm 2021. Đặc biệt, nhiều nhóm hàng như rau quả, cà phê, hạt tiêu, mây tre đan, dụng cụ thể thao đều ghi nhận tăng trưởng vài chục %, nhóm sắt thép nguyên liệu tăng tới 1.269%, sản phẩm thép tăng 100%.
Chia sẻ trong tọa đàm “Tận dụng UKVFTA gia tăng thị phần hàng hóa vào Vương Quốc Anh”, chiều 26/10, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, cho biết những sản phẩm xuất khẩu sang Vương Quốc Anh không phải là sản phẩm mới, nhưng nhờ có UKVFTA mà được đẩy mạnh hơn, chiếm lĩnh thêm nhiều thị phần hơn.
Cũng theo ông Cường, trước đây, doanh nghiệp Việt thường gặp khó khăn về về chất lượng, hàng rào kĩ thuật, đó là câu chuyện cũ. Hiện rất nhiều doanh nghiệp có thể vượt qua rào cản này. Khó khăn chỉ còn ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trước đây chủ yếu phục vụ thị trường nội địa hay thị trường châu Á, châu Phi, khi vào thị trường Anh sẽ khó hơn. Tuy vậy, nếu doanh nghiệp biết cách học hỏi kinh nghiệm từ những doanh nghiệp đi trước, có cách tiếp cận phù hợp thì tất cả hàng rào kĩ thuật có thể vượt qua.
Nhưng, điều mà vị Tham tán thương mại trăn trở hơn cả là năng lực quản trị rủi ro của nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn yếu kém.
“Tôi khá thất vọng trước năng lực quản trị rủi ro của nhiều doanh nghiệp. Tôi nhận được tương đối nhiều những lời kêu cứu của doanh nghiệp Việt Nam khi bán hàng sang Anh nhưng không thu được tiền. Họ cứ nghĩ rằng làm việc với bạn hàng, đối tác lâu năm thì cứ giao hàng, không cần trả tiền trước, không có điều khoản an toàn về thanh toán.
Có thể đối tác là một doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc, nhưng không biết lúc nào tình hình tài chính của họ xấu đi, họ phá sản, không trả được tiền hàng thì lúc đó doanh nghiệp Việt Nam muốn tìm cách giảm thiểu tổn thất thì rất khó bởi khi chúng tôi xem hợp đồng của nhiều doanh nghiệp, rất sơ sài, khó có thể tìm thấy điều khoản có thể bảo vệ cho doanh nghiệp Việt”, ông Cường cho hay.
Cũng theo vị Tham tán thương mại, quản trị rủi ro rất quan trọng nhưng doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng phòng ngừa rủi ro. Doanh nghiệp có thể liên hệ đến Thương vụ Việt Nam tại Anh để được hỗ trợ đánh giá về sức khỏe tài chính của đối tác, đưa ra những khuyến nghị phòng ngừa rủi ro.
Muốn bán hàng sang Anh, phải đi dự hội chợ
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, để hàng hóa Việt được người tiêu dùng Anh chấp nhận thì sản phẩm phải phù hợp với xu thế thị trường. Muốn nắm bắt được thông tin từ thị trường, không còn cách nào khác, doanh nghiệp phải tích cực tham dự các hội chợ quốc tế.
“Nếu các doanh nghiệp không tham dự hội chợ, ngồi nhà xin Thương vụ danh sách các nhà nhập khẩu hay thông tin thị trường sẽ không đạt được hiệu quả cao. Bỏi vì doanh nghiệp Việt Nam có gửi email chào hàng, đối tác cũng sẽ không trả lời vì họ không nhìn thấy người, không nhìn thấy hàng, họ sẽ không kết hợp hay có thể email đó bị đi thẳng vào hòm thư rác”, ông Cường cho biết.
Tham dự các hội chợ là cách mà Sao Thái Dương đưa sản phẩm sang Anh. Bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng giám đốc Công ty Sao Thái Dương cho biết, ngoài hội chợ chuyên ngành, công ty này còn tích cực tham dự các chương trình do Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức như Ngày hội quê hương để tiếp cận với nhóm khách hàng nhỏ hơn, có thể đưa ra nhận xét thân tình hơn về chất lượng sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp cải tiến sản phẩm. Nhờ vậy, dù mới tiếp cận thị trường Anh, nhưng Sao Thái Dương đã đưa 200 sản phẩm có mặt tại 13 siêu thị tại London và vùng lân cận.
“Tiêu chuẩn kĩ thuật cũng chỉ là một yếu tố, quan trọng nhất là nhu cầu, mong muốn của người tiêu dùng, đó là tiêu chuẩn tăng thêm. Là người sản xuất, kinh doanh, cần đáp ứng đòi hỏi như vậy để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường”, bà Hương Liên nhấn mạnh.
Để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường Anh, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Sở Công thương, các cơ quan xúc tiến thương mại trong nước và Thương vụ ở nước ngoài nên hỗ trợ một phần chi phí để giúp một số doanh nghiệp mới, chưa có nhiều năng lực tài chính tham gia các hội chợ quốc tế.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải nên xem việc xúc tiến thương mại qua hội chợ là khoản đầu tư để nắm bắt xu thế thị trường. Thương vụ không đủ ngân sách để tài trợ hết về chi phí nhưng có thể hỗ trợ tư vấn để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.