Thái Lan yêu cầu xem xét lại việc áp thuế bán phá giá đường nhập khẩu
(DNTO) - Ngay sau khi áp thuế chống bán phá giá với đường nhập khẩu từ Thái Lan, giá đường nội địa nhích lên, giúp doanh nghiệp mía đường có lãi. Tuy nhiên, ở một diễn biến khác, phía Thái Lan yêu cầu Bộ Công Thương Việt Nam xem xét lại quyết định trên.
Bắt đầu từ ngày 16-6, các loại mía đường nhập khẩu từ Thái Lan thuộc mã HS 1701.13.00, 1701.14.00, 1701.99.10, 1701.99.90, 1702.90.91 sẽ bị áp thuế chống bán phá giá chính thức là 42,99% và mức thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65% trong thời gian 5 năm. Hai loại thuế này còn áp dụng với cho cả những lô hàng theo hạn ngạch của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Quyết định áp thuế đường nhập khẩu từ Thái Lan có tác động gần như ngay tức thì đối với ngành mía đường trong nước. Theo đó, giá đường thị trường ở mức 16.000-19.000 đồng/kg trong ngày hôm nay, là mức giá mà doanh nghiệp đường trong nước có lãi. Trước đó, giá đường trong nước chỉ ở mức 12.500-13.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất từ 1.000-2.000 đồng/kg. Giá đường tăng, đồng thời giá thu mua mía đối với người nông dân được tăng từ 100.000-200.000 đồng/tấn. Qua đó, giúp nông dân lần đầu tiên qua nhiều năm tiêu thụ toàn bộ hơn 6 triệu tấn mía.
Theo ông Lê Bá Chiều, Phó giám đốc Công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa), từ trước khi có quyết định áp thuế chống bán phá giá với đường Thái Lan các doanh nghiệp mía đường trong nước đã vô cùng khó khăn để cạnh tranh.
Tuy vậy, với những tín hiệu tích cực sau lệnh áp thuế đường Thái Lan, công ty đã có những chiến lược để khôi phục vùng nguyên liệu cũng như cơ cấu lại nhà máy để sản xuất cho các niên vụ tới. Theo đó, công ty cam kết mua bao tiêu giá mía cho người nông dân từ 1.000 đồng/kg trở lên trong vòng 5 năm. Giá thu mua sẽ cao hơn nếu giá đường trong nước tăng.
Ở một diễn biến khác, đại diện Thương vụ Thái Lan tại Việt Nam yêu cầu Bộ Công Thương Việt Nam xem xét lại quyết định trên, và các nhà quản lý Thái Lan cần một lời giải thích rõ ràng và chính xác. Vụ trưởng Vụ Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan cho rằng vẫn còn một số điều không chắc chắn về việc đường Thái Lan gây ra những thiệt hại cho ngành đường Việt Nam.
Mặt khác, văn phòng Ủy ban Mía đường Thái Lan cho rằng việc Bộ Công Thương Việt Nam áp thuế chống bán phá giá trên không ảnh hưởng đến người trồng mía cũng như các nhà sản xuất đường của Thái Lan, và giá đường trong nước cũng như xuất khẩu sẽ không thay đổi.
Dù cho thị trường Việt Nam chiếm gần 26% thị phần xuất khẩu của đường Thái Lan trong ASEAN, nhưng giá đường toàn cầu trên thị trường hàng hóa mới là tác nhân trực tiếp gây ảnh hưởng đến nông dân và các nhà sản xuất đường nước này,
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam tăng theo từng năm. Nếu trong năm 2019, tổng lượng đường nhập khẩu từ nước này chỉ 300.000 tấn thì trong năm 2020 con số tăng lên gần 1,5 triệu tấn. Và tính đến hết tháng 5-2021, Việt Nam đã nhập khẩu gần 500.000 tấn đường từ Thái Lan, tương đương cùng kỳ năm ngoái, chính điều này đã gây ra sự cạnh tranh gay gắt với đường trong nước. Tuy vậy, lệnh áp thuế đường nhập khẩu từ Thái Lan sẽ giảm áp lực cho các doanh nghiệp mía đường trong nước thời gian tới.