Super Bowl - Phản ánh tình trạng nền kinh tế Mỹ. Bài 1: Tâm điểm quảng cáo

(DNTO) - Super Bowl, sự kiện thể thao được xem là lớn nhất nước Mỹ, lại là một “cửa sổ” để nhìn vào tình trạng kinh tế của quốc gia lớn nhất thế giới.

Super Bowl là sự kiện thể thao truyền hình có lượt người xem lớn nhất tại Mỹ. Ảnh: AP Photo
Nếu muốn biết về tình trạng nền kinh tế của một quốc gia, bạn có thể đọc những bản phân tích dữ liệu chi tiết từ các hãng tài chính hay từ chính phủ. Nhưng những dữ liệu đó khá là phức tạp và dài dòng, trong khi ta còn có một hình thức khác để nhận định tình trạng kinh tế: Quảng cáo.
Tâm điểm quảng cáo
Tại Mỹ, không sự kiện nào thu hút quảng cáo như Super Bowl. Giải vô địch bóng bầu dục Mỹ này được xem là sự kiện thể thao lớn nhất tại Mỹ, với lượng người xem khoảng 100 triệu lượt mỗi năm.
Quảng cáo trong Super Bowl là một biểu kế, một “cửa sổ” cho ta nhìn vào thực trạng kinh tế Mỹ.
Con số chi phí quảng cáo trong Super Bowl cũng tương xứng với lượng người xem mà nó mang lại, 7 triệu đô la cho một đoạn quảng cáo 30 giây.
Trong năm 2022, tổng doanh thu quảng cáo của Super Bowl đã lên đến một con số khổng lồ: 578,4 triệu đô la.
Những công ty nào dám chấp nhận trả khoản chi phí đáng sợ đó phải tự tin mình sẽ là tên tuổi chủ đạo trong tương lai của nền kinh tế Mỹ - chính vì thế quảng cáo trong Super Bowl là một biểu kế, một “cửa sổ” cho ta nhìn vào thực trạng của cường quốc lớn nhất thế giới này.

Super Bowl là nơi các hãng cạnh tranh giành chỗ quảng cáo. Ảnh: Adobe Stock
Cái nhìn lịch sử
Trong những năm 2000, giữa cuộc bùng nổ “dot-com”, 14 công ty non trẻ đã chui vào thời gian quảng cáo của Super Bowl, trong đó bao gồm Pets.com, OnMoney.com, E-Stamps.com, Epidemic.com, HotJobs.com, và e1040.com.
Sau khi bong bóng “dot-com” tan vỡ, các hãng dịch vụ công nghệ, phần mềm máy tính đã phải cắt giảm chi phí quảng cáo và biến mất khỏi Super Bowl.
Hai thập kỷ sau, gần như tất cả tên tuổi trên đã không còn tồn tại.
Năm ngoái, một loạt các công ty tiền tệ mã hoá, trong đó có FTX, Coinbase, Crypto.com và eToro, đã mạnh dạn chạy quảng cáo giữa các trận đấu lớn. Đây là chỉ định cho làn sóng kinh doanh đầu tư vào các loại công nghệ blockchain, khiến sự kiện này được ví von là “Crypto Bowl” trong 2022.
Kể từ đó, các loại tài sản crypto đã hạ giá, với hàng loạt công ty tài chính có liên quan bị phá sản. FTX, từng được xem là “đứa con cưng” của ngành tiền tệ mã hoá, sụp đổ chóng vánh.
Và thế là, các tên tuổi crypto vắng bóng hoàn toàn trong Super Bowl năm nay.