Startups tại ASEAN biến rác thải thành sản phẩm tiêu dùng - Kỳ 2: Hy vọng giải cứu biển cả
(DNTO) - Các doanh nghiệp non trẻ trong ngành tái chế rác thải là "cứu tinh" cho môi trường biển, nhưng thử thách về vốn vẫn còn đó.
Hồi sinh rác thải
Tại Việt Nam, một công ty mang tên ReForm Plastic đang vận hành nhiều chi nhánh khắp Đông Nam Á và nhiều nơi khác trên thế giới, với khả năng xử lý các loại nhựa giá trị thấp thành nguyên liệu xây dựng và các thành phẩm khác.
Sử dụng kỹ thuật nén khuôn, họ biến nhựa thải thành các tấm vật liệu, được ứng dụng làm nguyên liệu gốc để các nhà sản xuất “nắn” thành sản phẩm tiêu dùng, tương tự như quá trình sản xuất gỗ, kim loại hay bìa carton.
Nhà đồng sáng lập ReForm Plastic, Kasia Weina, cho biết startup này đã giúp biến hơn 500 tấn nhựa có giá trị thấp thành sản phẩm hữu ích, và công ty này có công suất xử lý 6.000 tấn rác thải thông qua 8 nhà máy.
ReForm Plastic đang đặt ra mục tiêu đến 2030, họ sẽ mở hơn 100 cơ sở khắp nơi trên thế giới, tuyển dụng hơn 2.500 nhân lực, và có khả năng xử lý 100.000 tấn rác thải nhựa mỗi năm.
“Chúng tôi nhắm đến việc nhân rộng nhanh chóng, với 8 cơ sở vận hành hay lắp ráp tại châu Á và châu Phi. Trong đó có hai cơ sở tại Myanmar, hai tại Việt Nam, một ở Bangladesh, một ở Phillipines, một ở Ghana và một tại Lào”, Weina cho biết.
“Bằng việc trở thành dịch vụ hàng đầu trong xử lý rác thải quản lý kém, chúng tôi sẽ có thể tạo ra một ảnh hưởng tích cực hơn cho môi trường, với quy mô rộng lớn”, Weina cho biết thêm.
Hậu quả đáng sợ
Những nỗ lực như thế có ảnh hưởng sâu sắc cho cả thế giới, bởi rác thải nhựa chiếm đến 80% lượng rác trôi nổi trên các đại dương. ASEAN, vốn thải ra hàng chục triệu tấn rác thải nhựa hàng năm, đã “tuyên chiến” với rác thải trên biển, tung ra một bản kế hoạch hành động cho khoảng thời gian 2021-2025.
Đã có 11 triệu tấn rác thải nhựa đi ra biển mỗi năm. Con số này dự đoán sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2040.
“Khối lượng rác thải rắn và rác trôi nổi trên biển đến từ Đông Nam Á đang ngày càng tăng”, theo Varawut Silpa-archa, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Thái Lan, phát biểu hồi 2021. “Kèm theo đó là tiến độ đô thị hoá, mức tăng trưởng của dân số tiêu dùng, những tác hại lâu dài của vấn đề này chỉ mới bắt đầu lộ ra”.
Circulate Initiative, một tổ chức phi lợi nhuận chống ô nhiễm rác thải nhựa tại Nam và Đông Nam Á, cho biết đã có 11 triệu tấn rác thải nhựa đi ra biển mỗi năm. Con số này dự đoán sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2040.
Nhựa thải ra khí nhà kính trong quá trình phân hủy kéo dài hàng trăm năm. Chính vì thế, nếu ta có thể triệt giảm ô nhiễm rác thải nhựa chỉ ở hai quốc gia Ấn Độ và Indonesia vào năm 2030 là đã đủ để loại bỏ 150 triệu tấn khí nhà kính - Circulate Initiative cho biết.
Hy vọng đầu tư
Thử thách lớn nhất của các startup trong ngành rác thải tái chế là gầy dựng vốn. Nhất là trong bối cảnh giới đầu tư đang bị áp lực từ nền kinh tế vĩ mô bất ổn, lãi suất cho vay và lạm phát tăng cao.
Theo báo cáo được tung ra hồi tháng 1/2023 của hãng phân tích tài chính Refinitiv, các đầu tư liên quan đến doanh nghiệp có lợi cho môi trường đã rớt 24% trong năm 2022, xuống chỉ còn 159,3 tỷ đô la, một con số thấp nhất trong vòng hai năm qua.
May mắn thay, đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế tuần hoàn.
Incubation Network, một mạng lưới kết nối các nhà đầu tư với những doanh nghiệp non trẻ với mục tiêu bảo vệ môi trường, đã giúp các startup thu hút 59 triệu đô la vốn kể từ khi thành lập trong năm 2019.
Trong cùng năm đó, hãng quản lý vốn chuyên biệt Circulate Capital đã tung ra khoản vốn đầu tư quốc tế dành riêng cho các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ chống chọi với vấn nạn rác thải trên biển.
Đối tác của hãng này tại châu Á, Caroline Wee, cho biết họ mong muốn hỗ trợ cho các startup tìm nguồn vốn cần thiết để mở rộng quy mô và tăng lợi nhuận.
“Vốn đầu tư kiên nhẫn và chấp nhận rủi ro là cần thiết để ấp ủ các doanh nghiệp hay dự án non trẻ, để họ có thể trở thành tương lai của ngành quản lý, tái chế rác thải”, bà Caroline Wee nhận xét. “Các startups trong ngành tái chế rác thải nhựa đã luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề do ít được biết đến”.