Sài Gòn tháng tư nắng và hoa

(DNTO) - Ở đâu đấy trong cái nắng nung người, Sài Gòn vẫn có một khoảng rất xanh, rất bình yên, trong ký ức của mỗi người Sài Gòn khi mùa hoa tháng tư về.
Không có bốn mùa rõ rệt như Hà Nội nhưng vào những thập niên 6 -7 mươi, Sài Gòn vẫn đầy đặn sắc xuân, vẫn chói chang nắng hạ, vẫn bàng bạc thu về và se sắt đông qua. Mỗi thứ một thoáng làm nên một Sài Gòn hòn ngọc viễn đông.
Còn bây giờ mọi người hay kháo nhau Sài Gòn chỉ có hai mùa, mùa nóng và mùa rất nóng. Nói theo kiểu này thì Sài Gòn hiện đang vào đỉnh điểm của mùa rất nóng. Buổi trưa đi ngoài đường cảm giác như bị bao vây bởi cái nóng. Nóng từ cái kho nắng trên trời ụp xuống, nóng từ hàng triệu cục nóng máy lạnh ở các tòa nhà chọc trời phả ra, nóng từ dưới mặt đường nhựa hắt lên…

Hoa kèn hồng nở rộ trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: Internet
Nhưng chưa có ai, cho dù là người Sài Gòn hay dân nhập cư hoặc du khách vì nóng mà chán chường, ngán ngẩm, chê bai, mà quay lưng với Sài Gòn. Bởi vì mùa rất nóng của Sài Gòn ngoài cái nóng còn có nhiều thứ quyến rũ khác. Trong đó có hoa. Những loài hoa nhiệt đới không sợ nắng. Càng hứng nắng, hoa càng đượm màu rực rỡ.
Cứ mỗi bận tháng tư về, mọi người có dịp ra đường thường tranh thủ ngắm hoa kèn hồng. Nhiều tay săn ảnh không quản ngại đội nắng ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất của hoa. Khắp các mặt báo, hình ảnh hoa kèn hồng nở rộ được đưa lên, như thể đây là loài hoa đại diện cho Sài Gòn. Nhưng không phải. Hoa kèn hồng hay còn gọi là hoa chuông hồng, xuất phát từ châu Mỹ, chỉ mới được trồng thử nghiệm tại Sài Gòn từ năm 2009. Cùng với hoa kèn hồng, nở bung trời vào tháng tư Sài Gòn còn có bằng lăng tím, bọ cạp vàng (muồng hoàng yến), chuông vàng (huỳnh liên)…
Không phủ nhận sắc hồng phơn phớt của hoa kèn, màu vàng quý phái của huỳnh liên, hoàng yến hay nền nã tím của bằng lăng làm cho Sài Gòn tươi mới, trẻ trung, năng động và quyến rũ hơn. Nhưng với những cư dân Sài Gòn “lâu năm” chắc chắn điệp vàng, bông giấy, chò nâu… mới thật sự là loài hoa đi vào ký ức của họ mỗi bận tháng tư về.
Điệp vàng là “cô em bạn dì của phượng vĩ”. Nó gắn liền với thời cắp sách của nhiều cô cậu học trò Sài Gòn. Những cánh hoa ngủ vùi trên tán cây xanh mướt, hè sang khẽ cựa mình thức giấc, mở những nụ vàng óng ả tinh khôi cho hành trang tuổi học trò thêm nặng trĩu những kỷ niệm ngọt ngào. Điệp vàng cánh mỏng manh và yếu ớt, Chỉ cần một cơn gió nhẹ, những cánh hoa vàng lả tả rơi xuống dệt thành những tấm thảm vàng trên mặt đường. Thảm điệp vàng vì thế chỉ nên thơ với lũ học trò chứ mấy cô chú lao công quét đường, thật là “nỗi ám ảnh”.
Sài Gòn một thời rất xa, nhà nào cũng có một khoảnh sân và cái cổng rào. Bây giờ nhà mặt tiền Sài Gòn hầu như được trưng dụng vào mục đích thương mại một cách triệt để, cổng nhà nào cũng dành treo bảng hiệu, không còn chỗ cho bông giấy. Cái cổng rào phủ bông giấy không còn là “đặc sản” của Sài Gòn nữa.
Bù lại, mấy năm gần đây, bông giấy được ứng dụng rộng rãi trong cảnh quan đô thị, được trồng trên các dải phân cách, trong công viên, làm cây công trình… không chỉ ở Sài Gòn mà phổ biến ở rất nhiều nơi khác nữa.
Không tuyền một màu vàng như điệp, cũng không phong phú sắc màu như bông giấy, hoa chò có màu nâu nền nã, chân phương, hiền hòa, mộc mạc… Và theo Kiến trúc sư Trần Quang Thịnh chò nâu còn tượng trưng cho tinh thần hữu nghị, là biểu tượng văn hóa mang tính vật thể đặc trưng của Sài Gòn.

Cái cổng rào phủ bông giấy từng là “đặc sản” của Sài Gòn. Ảnh: Internet
Cây chò nâu (hoa dầu, hoa chong chóng xoay) được người Pháp mang vào Sài Gòn từ rất lâu. Cây được trồng ở một số trục đường trung tâm Sài Gòn đến nay đã hơn trăm tuổi. Vào mùa, chò nâu như đôi cánh chuồn chuồn theo gió xoay tít trên không trung trước khi đáp xuống mặt đất nằm ngủ ngoan lành.
Ở đâu đấy trong cái nắng nung người, Sài Gòn vẫn có một khoảng rất xanh, rất bình yên, trong ký ức của mỗi người Sài Gòn khi mùa hoa tháng tư về.