Quấy rối tình dục nơi làm việc, giải quyết căn cơ từ đâu?

(DNTO) - Tối 6/4, tài khoản mang tên DTP đã đăng thư tố cáo chị bị Phó TBT Báo Văn Nghệ cưỡng dâm. Sự việc vừa chỉ mới được thông tin một chiều, tuy nhiên, nó đã gợi lên cho chúng ta một vấn nạn cần được lên án và bài trừ, đó là nạn quấy rối tình dục nơi làm việc.
Vào tối 6/4, tài khoản mạng xã hội mang tên Dạ Thảo Phương đã đăng tải nội dung thư ngỏ tố cáo Phó TBT Báo Văn nghệ đã cưỡng dâm và vu khống chị. Mặc dù sự việc xảy ra hơn hai mươi năm trước nhưng theo chị: “Tôi cần phải lên tiếng. Đó là một đòi hỏi bức thiết của cá nhân tôi, với tư cách là một nạn nhân khổ đau oan ức, cũng là một đòi hỏi của thực tế xã hội đối với trách nhiệm của một công dân, đòi hỏi của lương tri đối với một người cầm bút”.
Sự việc vừa chỉ mới được thông tin một chiều, không thể nhận định hoặc kết luận điều gì. Tuy nhiên, sự xôn xao của cư dân mạng trong mấy ngày qua một lần nữa gợi lên cho chúng ta một vấn nạn xã hội cần được lên án và bài trừ, đó là nạn quấy rối tình dục, đặc biệt là quấy rối tình dục nơi công sở.

Quấy rối tình dục nơi công sở có tính chất đặc thù “phổ biến, đa dạng” khó nhận biết. Ảnh: TL
Sự việc cũng gợi nhớ buổi chiều 21/4/2018, báo TT phát đi thông tin nhà báo AT vừa gửi đơn xin từ chức trưởng phòng đến Ban biên tập báo này sau khi bị tạm đình chỉ công tác, để điều tra xác minh làm rõ việc một nữ cộng tác viên là sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông Đại học KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) đã gửi đơn tố cáo bị nhà báo AT cưỡng hiếp. Cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ và ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì không có căn cứ để xác định có dấu hiệu phạm tội.
Mới đây, ngày 4/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC01) đã tiếp nhận từ Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội, chuyển đến toàn bộ hồ sơ vụ một cô gái trẻ tố bị một trưởng khoa của Trường Đại học Luật Hà Nội cưỡng bức tình dục trong khoảng từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2022.
Quấy rối tình dục là một khái niệm hết sức phức tạp. Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất đó là một hình thức quấy nhiễu mang đặc trưng giới tính.
Quấy rối tình dục có thể xảy ra với mọi đối tượng không giới hạn không gian và thời gian… trở thành một hiện tượng nổi lên gần đây, là nạn quấy rối tình dục cả với các bé trai, trên máy bay và trong thang máy.
Nhưng quấy rối tình dục nơi công sở lại có tính chất đặc thù “phổ biến, đa dạng” và thường được ẩn náu dưới các quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, sếp với nhân viên… nên rất khó phân biệt, phát hiện và lúng túng trong ứng xử, khó đưa ra một giải pháp căn cơ.
Tuy nhiên, tại phiên họp thứ 108 của Hội nghị Lao động Quốc tế ngày 21/6/2019, Công ước số 190, một công ước về chấm dứt bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc đã được thông qua tại Geneva.
Trước đó, từ 2015, nước ta cũng đã có Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định rất rõ ràng. Đây chính là cơ sở để khẳng định hành vi nào được gọi là quấy rối tình dục và là một căn cứ để nạn nhân có thể lên tiếng bảo vệ mình.
Vì thế, việc định nghĩa thế nào là quấy rối tình dục nơi làm việc với những ví dụ về các hành vi cụ thể cần được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân công sở.
Nếu không may bị quấy rối tình dục, nạn nhân tuyệt đối không để cho thủ phạm chủ quan, lờn mặt, khinh suất, tiếp tục hành vi bằng việc thỏa hiệp, ngại ngùng xấu hổ, cam chịu, che giấu (do sợ ảnh hưởng đến danh dự bản thân nên không lên tiếng là trường hợp của nạn nhân vụ Trường Đại học Luật Hà Nội).
Cần mạnh mẽ lên tiếng hoặc tố cáo “ngay và liền” khi vụ việc xảy ra. Tránh tình trạng “để lâu cứt trâu hóa bùn” như trường hợp ba vụ việc nêu trên (một là hơn 20 năm, một xấp xỉ nửa năm, và một là tròn 2 năm).
Việc tố cáo ngay và liền còn tránh được tình trạng phổ biến khuynh hướng “truy cứu” đối với nạn nhân, cho rằng nếu không thích, không đồng tình, thì nạn nhân cần lảng tránh hoặc thẳng thừng từ chối, để hành vi “quấy rối” phải dừng lại, phải bị lên án. Tại sao lại chịu đựng trong một thời gian đủ dài đủ lâu như vậy?
Thậm chí có trường hợp nạn nhân bị tấn công ngược, kiểu: Không có lửa sao có khói, không thỏa hiệp, không tạo điều kiện, thậm chí không “rửng mỡ” sao ra chuyện…

Đây chính là cơ sở để khẳng định hành vi nào được gọi là quấy rối tình dục và là một căn cứ để nạn nhân có thể lên tiếng bảo vệ mình. Ảnh: TL
Riêng đàn ông công sở Việt, họ thường đánh đồng những hành vi “quấy rối” như bẹo má, nắm tay, ôm eo, sờ mông, dùng lời lẽ “dung tục” với đồng nghiệp nữ là những cử chỉ lời nói biểu lộ sự cảm mến, trêu đùa, vui vẻ… Nói không ngoa, hình như nó đã trở thành một thứ “văn hóa” công sở.
Để “phòng bệnh từ xa”, giải quyết vấn đề căn cơ, có lẽ dạy bé trai biết yêu thương và tôn trọng phụ nữ ngay từ khi chúng còn bé là một giải pháp mà gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm.
Đồng thời với các quý anh, cũng nên cho các anh biết, do đặc thù giới tính, người phụ nữ có sức quyến rũ hơn, biết cách biểu lộ tình cảm ra bên ngoài, làm cho cuộc sống mềm mại hơn, vui vẻ hơn, tươi đẹp hơn chứ không phải họ lẳng lơ, yếu mềm, dễ bắt nạt. Vì thế, họ xứng đáng được thương yêu và trân trọng.