Phát triển công nghiệp hỗ trợ
(DNTO) - Công nghiệp hỗ trợ là công nghiệp chuyên sâu nhằm cung ứng một cách vững chắc nguồn nguyên liệu, vật liệu, linh kiện, phụ kiện cho ngành công nghiệp lớn, góp phần phát triển bền vững cho nền công nghiệp của đất nước.
Công nghiệp hỗ trợ là công nghiệp chuyên sâu nhằm cung ứng một cách vững chắc nguồn nguyên liệu, vật liệu, linh kiện, phụ kiện cho ngành công nghiệp lớn, góp phần phát triển bền vững cho nền công nghiệp của đất nước.
Công nghiệp hỗ trợ không phải là công nghiệp chủ đạo nhưng lại là nhân tố không thể thiếu trong quy trình sản xuất những sản phẩm công nghiệp phức tạp. Để sản xuất một chiếc máy bay hay một tàu thủy hiện đại, ngoài những kết cấu chính như máy móc, hệ thống điều khiển..., cần hàng ngàn những chi tiết, thiết bị để hoàn thiện. Chỉ cần thiếu những chíp điện tử, một số ống dẫn, thậm chí những ốc vít chuyên dụng thì toàn bộ hệ thống máy móc phức tạp, hiện đại cũng không thể vận hành một cách an toàn, hoàn hảo.
Một tập đoàn sản xuất dù có quy mô lớn đến đâu cũng không thể chế tạo ra tất cả các phụ tùng, linh kiện. Vậy nên công nghiệp càng phát triển hiện đại càng cần sự phân công, hợp tác trong sản xuất để có năng suất cao, giá thành hạ và hiệu quả tốt, càng cần đến công nghiệp hỗ trợ.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài ngày càng gia tăng, xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tối ưu hóa sản xuất, chi phí ngày càng mạnh mẽ, nhu cầu phát triển công nghiệp hỗ trợ được đặt ra một cách cấp thiết.
Các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt ở Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon, Samsung..., không thể mang theo tất cả các nhà máy sản xuất linh kiện sang Việt Nam, mà rất muốn liên kết để sản xuất các linh kiện phụ trợ tại chỗ để tối ưu hóa và giảm thiểu chi phí sản xuất. Đây là cơ hội vàng để Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, đang dạng hơn, phong phú hơn công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp.
Đặc điểm của công nghiệp hỗ trợ là sản phẩm rất phong phú, đa dạng, có loại yêu cầu kỹ thuật vừa mức và có loại yêu cầu kỹ thuật rất cao nên tùy từng điều kiện cụ thể của mình để các doanh nghiệp Việt Nam có thể lựa chọn việc sản xuất các linh kiện và sản phẩm phù hợp.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến việc ưu đãi đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ. Một loạt hệ thống luật pháp và các cơ chế chính sách tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp phụ trợ ngày càng phát triển. Số lượng và chất lượng của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từng bước đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp trọng yếu.
Một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại và phương thức quản lý tiên tiến, đáp ứng các tiêu chí quốc tế, trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước. Chẳng hạn, hiện nay số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung đã lên đến 42 doanh nghiệp, số lượng nhà cung ứng cấp 2 là 170 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để tham gia chuỗi cung ứng của Toyota, Canon cũng đang gia tăng. Tuy nhiên, tổng thể ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn vừa thiếu vừa yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP “về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam” với nhiều giải pháp toàn diện, thiết thực và khả thi để phát triển các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Nghị định đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các dòng vốn đầu tư và làn sóng dịch chuyển sản xuất của các công ty đa quốc gia.
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế đất nước, Đại hội XIII của đảng đã xác định: “Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp mới, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ như công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp ôtô, sản xuất phần mềm,... Tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia với doanh nghiệp trong nước trong phát triển chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp...”.
Việc ban hành các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế nói chung, trong đó chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ phát huy mạnh mẽ vai trò của các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu chủ động tham gia vào các liên kết kinh tế, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị mà các ngành công nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đem lại.
Các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ tạo ra môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp của Việt Nam, trong đó có đội ngũ doanh nhân trẻ nỗ lực, sáng tạo tham gia tích cực vào việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, hình thành các cụm ngành, chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng liên thông, tạo không gian phát triển mới để công nghiệp hỗ trợ thực sự trở thành ngành công nghiệp phát triển nhanh, mạnh, chất lượng và hiệu quả cảo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của đất nước.