Nữ nông dân Ninh Thuận khởi nghiệp thành công từ cây siro
(DNTO) - Chọn loại cây si rô cho trái dùng để sản xuất nước giải khát và chế biến thực phẩm, chị Nguyễn Ngọc Uyên Trinh tại Ninh Thuận khởi nghiệp sáng tạo, gặt hái thành quả đáng khích lệ.
Xuất thân nhà nông và bước ra từ chuyên ngành Sinh Lý Thực vật của Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, chị luôn ấp ủ niềm khát khao được trở về quê nhà và khởi nghiệp tại chính vùng đất này.
Lựa chọn cây siro là nguồn lực chính, bằng sự sáng tạo độc đáo, chị đã kết hợp cùng với hình thức du lịch, thu hút được không ít khách hàng. Không chỉ vậy, chị còn bán lẻ để tăng lợi nhuận và bằng chính những thay đổi không ngừng, chị đã có trong tay 2 thành phẩm đạt doanh thu cao: nước siro đường phèn, mứt siro muối ớt.
Là một trong những người tiên phong về giống cây này tại Ninh Thuận, chị cũng từng gặp không ít khó khăn ở giai đoạn đầu, đặc biệt tốn không ít công sức để thuyết phục ba mình chuyển đổi sang giống mới.
Vườn cây si rô của gia đình chị Nguyễn Ngọc Uyên Trinh ở thôn Lương Cang, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận được hình thành từ cách đây 4 năm, khi trong lần lướt mạng xã hội, chị Trinh thấy người bạn ở tỉnh An Giang đăng hình trồng cây si rô, loại quả lạ này khi chín rất đẹp nên chị xin giống về trồng. Ban đầu chị Trinh trồng vài cây trong khuôn viên nhà làm cảnh nhưng nhiều người dân ở địa phương thấy cây cho quả đẹp đến hỏi mua cây giống, chị quyết định trồng nhân rộng lên 1 sào (1.000m2).
Quả si rô chín có vị vừa ngọt, vừa chua, thơm nhẹ, thường được sử dụng để ngâm với đường làm mật si rô, dùng để giải khát hoặc làm màu, gia vị trong chế biến thực phẩm. Tại Việt Nam, cây si rô được trồng ở nhiều tỉnh, thành như An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang...
Chị Trinh cho biết, cây si rô trồng hạt khoảng 2 năm cho quả, còn cây chiết chỉ khoảng 6 tháng là cho thu hoạch. So với các loại cây ăn trái khác, cây si rô rất dễ chăm sóc, hầu như không bị sâu bệnh tấn công, bởi vậy không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tưới phân nhiều. Đặc biệt, khí hậu khô nóng của Ninh Thuận rất thích hợp cho cây si rô sinh trưởng và phát triển, nắng nhiều nên màu quả chín rất đẹp và đều. Cây si rô ra hoa từ tháng 2 và bắt đầu chín từ tháng 5, thu hoạch kéo dài cho đến tháng 10, bình quân một cây si rô trưởng thành cho thu hoạch khoảng 20kg quả trở lên.
Mỗi khi vào mùa chín rộ, mỗi ngày chị Trinh mở cửa đón hàng chục lượt khách vào tham quan, chụp ảnh lưu niệm, thưởng thức và mua các sản phẩm chế biến từ quả sirô ngay tại vườn. Chị Trinh thu hoạch quả si rô chín bán với giá 50.000 đồng/kg, chế biến nước giải khát đóng chai 500ml với giá 40.000 đồng/chai, đem lại nguồn thu nhập đáng kể so với trồng các loại cây rau màu khác trên cùng đơn vị diện tích canh tác.
Quả si rô đã được chứng minh có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nên rất được người tiêu dùng đón nhận, sản phẩm thu hoạch hàng ngày không đủ cung cấp do nhu cầu thị trường hiện nay rất lớn.
Từ thuận lợi trên, chị Trinh tiếp tục đầu tư để nhân giống bằng cách chiết cành, vô chậu cung cấp cho người chơi cây kiểng trong và ngoài tỉnh với giá 30.000 - 60.000 đồng/cây si rô. Với đặc tính cho quả sai, đỏ bắt mắt tượng trưng cho màu hy vọng, sự may mắn, tốt lành, gia đình hạnh phúc, chị Trinh đang lên kế hoạch mở rộng diện tích và can thiệp để cây si rô có thể cho trái rộ vào dịp Tết Nguyên đán, làm cây cảnh phục vụ nhu cầu của thị trường.
Không chỉ bán chạy sản phẩm làm ra, tạo một điểm du lịch trải nghiệm hái quả ngay tại vườn hấp dẫn du khách, chị Trinh cũng luôn sẵn sàng tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cây si rô cho các hộ có nhu cầu liên kết trồng để phát triển kinh tế ở địa phương.
Tuy nhiên, trong thời gian đầu, chị Trinh cũng đã từng nhận về không ít sự nghi ngờ từ chính ba mẹ mình, nhất là vào năm 2021 khi đến mùa thu hoạch nhưng dịch Covid-19 bùng nổ và không có khách hàng nào mua. Nhưng bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, hiện tại khu vườn của chị đã mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể và những thành tựu của ngày hôm nay.
Trong tương lai, chị hy vọng loài cây này sẽ được chú ý hơn, có thêm đơn vị đầu tư về máy móc để hỗ trợ việc trồng giống siro số lượng lớn và thu mua sản lượng lớn.