Nữ thạc sĩ 8X khởi nghiệp thành công với vườn dưa lưới
(DNTO) - Từ đam mê làm nông nghiệp, với tấm bằng thạc sĩ về Tài nguyên - Môi trường, chị Lê Thị Ngọc Hiền (Vĩnh Long) đã quyết định nghỉ việc tại cơ quan nhà nước, để tập trung đầu tư công nghệ cao vào canh tác vườn dưa lưới. Chỉ sau ba tháng, mô hình nông nghiệp sạch của chị đã cho kết quả tốt.
Chị Lê Ngọc Hiền đã có một công việc ổn định với kinh nghiệm 13 năm làm việc tại Ban Quản lý các khu Công nghiệp tỉnh Vĩnh Long. Nhưng khi niềm đam mê nông nghiệp trỗi dậy mãnh liệt, nhận thấy được những mối lo của người nông dân, nên năm 2019, chị đã quyết định khởi nghiệp với vườn dưa lưới.
Chị Hiền cho biết sau khi học hỏi kinh nghiệm thực tế tại các vườn nông sản sạch ở nhiều nơi và thu thập kiến thức từ internet, chị bàn bạc với gia đình dùng số tiền tích lũy và vốn vay tổng cộng trên 500 triệu đồng cải tạo khu vườn 1.000 m² của gia đình, đầu tư nhà kín trồng dưa lưới.
Sử dụng công nghệ cao, canh tác theo hướng hữu cơ, trồng trong nhà màng kết hợp cùng hình thức du lịch, tất cả yếu tố trên kết hợp lại đã mang đến cho chị Hiền một mô hình đem lại lợi nhuận đáng kể. Có thể gọi là một “tay mơ” khi dấn thân vào nông nghiệp, nên chị gặp khá nhiều sự cản trở từ những người xung quanh, khi gia đình không đặt sự tin tưởng vào chị.
Khi bắt tay vào làm, với kiến thức gần như bằng không về lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là trồng dưa lưới theo công nghệ Israel nên chị gặp không ít khó khăn, thất bại. Đến nay chị đang thu hoạch vụ thứ 3, với trái to, đều và chất lượng hơn 2 vụ trước, dự kiến năng suất đạt trên dưới 5 tấn. "Tất cả đều có sự trả giá, ban đầu chưa có kinh nghiệp nên hiệu quả đem lại chưa cao, càng làm càng đam mê và học hỏi thêm nên năng suất và chất lượng cao hơn", chị Hiền chia sẻ.
Bên cạnh đó, những khó khăn cũng ập đến trong việc nuôi giống cây trồng, chia sẻ rằng bản thân từng chông chênh ở giai đoạn đầu nhưng bằng sự nỗ lực, chị Hiền đã vượt qua khoảng thời gian đó, gặt hái được trái ngọt. Năm 2020, khi đại dịch bắt đầu xuất hiện, khu vườn của chị trong giai đoạn thu hoạch đã đạt được năng suất khá cao với con số lên đến 5 tấn/ 1.000m2.
Một điều đặc biệt hơn nữa chính là chị quyết định không phụ thuộc vào các thương lái, mà lựa chọn bán lẻ, một phần để tôn trọng công sức lao động của chính mình, một phần để giá trị đích thực của dưa lưới được đánh giá một cách xứng đáng hơn.
Chị Hiền chia sẻ, khi chưa xảy ra dịch bệnh, nông trại của chị thường xuyên chào đón khách đến tham quan du lịch, chụp ảnh “check-in”, tự tay hái những trái dưa mà mình thích. Để tạo thêm khung cảnh cho khách khi đến chụp hình, chị Hiền còn trồng thêm dưa leo, dưa hấu, cà chua, cà tím... để đa dạng nông sản tại nông trại.
Để khu vườn của mình đặc biệt hơn, chị đã cho kết hợp tạo ra một không gian quán cà phê để du khách được thư giãn và sách để lan tỏa thông điệp tích cực “Hãy đọc sách nhiều hơn!”.
Ngoài ra, nhiều trường học cũng tìm đến liên kết với farm của chị Hiền để tổ chức cho học sinh, sinh viên có thể vừa tham quan trải nghiệm, vừa trao đổi các kiến thức, kinh nghiệm trồng nông sản... vừa để truyền cảm hứng khởi nghiệp. Đây là hướng đi sẽ tiếp tục được chị Hiền đẩy mạnh trong thời gian tới để gia tăng giá trị cho farm của mình.
Trong tương lai, chị Lê Ngọc Hiền mong muốn sẽ kết nối những bạn trẻ có khát vọng với nông nghiệp, mở rộng hơn những loài giống cây trồng trên khu vườn của mình, như một sự thách thức cho chính bản thân.