Nông dân 'hoa mắt' vì giá phân bón Urea tăng vượt mốc sau 13 năm
(DNTO) - Liên tục tăng mạnh trong những ngày qua, tính đến ngày 6/10, giá Urea bán tới tay nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã vượt mốc 14.000 đồng/kg sau 13 năm.
Ngày 6/10, theo thông tin từ một số thương nhân ngành phân bón, giá phân Urea mà một số nhà máy cung cấp cho các đại lý cấp 1 đã ở mức 14.000 đồng/kg.
Cụ thể, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giá phân Urea bán tới tay nông dân đã ở mức từ 590.000-720.000 đồng/bao, tương ứng với 13.800-14.400 đồng/kg.
"Đây là mức giá rất cao và đã rất lâu rồi, kể từ năm 2008, giá phân Urea bán tới tay người nông dân mới lại vượt mốc 14.000 đồng/kg", một thương nhân ngành phân bón cho biết.
Ngoài Urea, giá một số loại phân bón chủ lực khác cũng tiếp tục tăng mạnh. Ngày 6/10, giá một loại DAP nội địa cung ứng cho đại lý cấp 1 đã ở mức 15.500 đồng/kg.
Tại ĐBSCL, giá DAP Trung Quốc bán cho nông dân đã vượt mốc 1 triệu đồng/bao khi ở mức 1,18-1,2 triệu đồng/bao (23.600-24.000 đồng/kg). Một loại DAP nội địa ở mức 850.000-870.000 đồng/bao (17.000-17.400 đồng/kg).
Giá DAP bán lẻ như trên vẫn chưa cao bằng năm 2008 (có thời điểm tới 27.000 đồng/kg), nhưng cũng là mức rất cao và chắc chắn sẽ khiến cho sản xuất của nông dân bị đội chi phí khá nhiều.
Cũng trong ngày 6/10, giá Kali bán lẻ ở ĐBSCL từ 720.000-750.000 đồng/bao (14.400-15.000 đồng/kg), tăng 1.000-1.200 đồng/kg so với cuối tháng 9.
Mặc dù thời gian qua, nhiều biện pháp được đưa ra để ghìm đà tăng phân bón, song nhìn vào những con số trên cho thấy tình trạng báo động khi vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy thị trường phân bón sẽ thôi biến động theo chiều hướng xấu hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương), từ tháng 7/2020 đến nay, giá phân bón bắt đầu phục hồi và có chiều hướng tăng cao, có sản phẩm tăng tới trên 80%. Nguyên nhân là giá nông sản thế giới liên tục tăng (điển hình là giá gạo) kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, kèm theo đó là nhu cầu phân bón.
Bên cạnh đó, Covid-19 được kiểm soát ở mức độ nhất định tại các thị trường lớn như Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc... đã khiến nhu cầu đối với nhiều mặt hàng này phục hồi nhanh. Trong khi đó, chi phí vận tải trong nước và thế giới, nhất là cước tàu biển... cũng góp phần tăng giá phân bón.
Lý giải thêm về điều này, ông Bùi Thế Chuyên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) cho rằng chi phí sản xuất cũng là một vấn đề.
"Giá phân bón tăng do mất cân bằng cung cầu là không đúng. Nguyên nhân chính là do chi phí sản xuất 8 tháng đầu năm tăng rất cao như Lưu huỳnh tăng 170%, Amoniac tăng gấp 2 lần... khiến giá đầu vào tăng. Cùng với đó là sự gia tăng của chi phí vận chuyển và những tác động tiêu cực đến từ đại dịch Covid-19", ông Chuyên dẫn chứng.