Nỗi lo thất nghiệp ở tuổi trung niên

(DNTO) - Trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, nhiều công ty xí nghiệp phải cắt giảm nhân sự, thậm chí ngừng hoạt động; Xu thế hội nhập và ứng dụng khoa học kỹ thuật ngày càng mạnh mẽ khiến tiêu chí tuyển dụng lao động ngày càng khắt khe; Ngành nghề tuyển dụng bị thu hẹp… nảy sinh ra thực trạng cơ hội việc làm cho người lao động ở độ tuổi trung niên dần mất đi.
Hiện nay, mất việc ở độ tuổi trung niên (qua 40 tuổi) không còn là nỗi lo nữa mà đã trở thành hiện thực xảy ra trong vài năm trở lại đây.
Con số Tổng cục Thống kê đưa ra vào hồi năm ngoái (2023), cả nước có hơn một triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Nhóm lao động trung niên bị sa thải tăng gấp 1,6 lần năm 2021. Riêng TP.HCM, số người trên 40 tuổi mất việc chiếm gần 30%. Các chuyên gia đánh giá khả năng năm 2024 tỷ lệ thất nghiệp ở những lao động trung niên sẽ còn tăng nhanh hơn.

Các chuyên gia đánh giá khả năng năm 2024 tỷ lệ thất nghiệp ở những lao động trung niên sẽ còn tăng nhanh hơn. Ảnh: Internet
Trên thực tế, việc sử dụng lao động trung niên như thế nào vốn được xem là nằm trong chiến lược tối ưu hóa lợi nhuận của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh xã hội sau cơn bảo Covid, cùng với những biến động khác trên thế giới vừa qua khiến nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng không ít, tình trạng mất việc nói chung và mất việc ở người lao động trung niên càng trở nên là một vấn đề đáng quan tâm.
Nhiều công ty xí nghiệp do không có đơn hàng, nhiều cơ quan đơn vị hoạt động không hiệu quả dẫn đến việc cắt giảm nhân sự, thu gọn sản xuất, sắp xếp lại tổ chức… Tất nhiên khi cắt giảm nhân sự, người sử dụng lao động sẽ cân nhắc dựa trên nhiều tiêu chí về đối tượng nhưng trong đó, ngoại trừ một số chuyên ngành cần người có nhiều năm kinh nghiệm chuyên sâu thì đối tượng lao động từ 40 tuổi trở lên là dễ bị sa thải hơn hết.
Tất nhiên, rất dễ bị sa thải nhưng lại rất khó tìm việc làm mới. Mặc dù sau Tết Nguyên đán 2024, các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi, và tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh nhưng người lao động trung niên lại rất ít có cơ hội.
Đề cập đến vấn đề xu hướng việc làm trong tương lai, Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM cho biết, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự ra đời của trí tuệ nhân tạo (AI) tác động toàn diện đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội… khiến thị trường lao động năm nay sẽ khác so với những năm trước. Người lao động có tay nghề sẽ là thế mạnh khi tìm việc làm; Lao động đơn giản sẽ trở nên yếu thế; Nhu cầu về số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ gia tăng; Đặc biệt ưu tiên người trẻ có kỹ năng mềm, giao tiếp tốt, ngoại ngữ thông thạo, chịu áp lực công việc tốt… Theo xu hướng này, lao động trung niên có thể trở thành nhóm "dễ bị tổn thương" nhất.
Không chỉ có nhân viên bình thường mà ngay các người làm công việc quản lý cũng bị đe đọa sa thải bởi thế hệ lao động mới mang tên Gen Z", với các kỹ năng đỉnh cao về kiểm soát công nghệ thay vì kiểm soát con người, họ sử dụng thành thạo AI, Chat GPT, có khả năng kiêm nhiệm nhiều thứ cùng một lúc. Với thế mạnh tư duy nhạy bén, dễ tiếp cận các đối tượng tiêu dùng trẻ, có khả năng dẫn dắt, làm chủ thị trường, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại điện tử, IT hay logistic.
Thực tế này buộc người lao động trung niên không được ỷ lại, phải vượt qua cái bóng của chính mình, giải cho ra đáp số bài toán dành cho mình, luôn thay đổi tích cực và học tập, nâng cao kỹ năng tự làm mới mình, nếu không muốn sớm bị đào thải.
Ở lứa tuổi 40, 45, bố mẹ thì già, con cái lại chưa trưởng thành, người trung niên thường là trụ cột mang trên vai gánh nặng kinh tế gia đình rất lớn. Thất nghiệp với họ là một thảm kịch. Nhiều người cho biết mới đầu họ chìm trong cảm giác hụt hẫng, mất mát, đôi khi hoang mang vì nhận thấy mình có quá trình “cống hiến, trung thành và không có lỗi gì”. Áp lực lớn nhất của họ là không có thu nhập, sau đó là sợ người thân lo lắng, hàng xóm, bạn bè gièm pha. Phải cắt giảm các chi phí của các con là điều làm họ đau đớn nhất. Nhưng hơn hết vẫn là rất khó để xin được một làm việc mới ở “vị trí tương đương”, thu nhập càng không thể như cũ.
Trong trường hợp này, song song với việc dành thời gian học thêm các kỹ năng mới để tìm việc làm mới, người lao động trung niên cần giải quyết rốt ráo các vấn đề vướng mắc tâm lý. Không quá đặt nặng vấn đề "sĩ diện", nhưng cũng không tự ti hạ thấp mình. Xem mất việc là phép thử của cuộc sống có thăng có trầm, không áp lực, dằn vặt phát sinh nhiều suy nghĩ tiêu cực; Luôn giữ cho mình nhiệt huyết, luôn trong tư thế sẵn sàng trở lại; Tận dụng thời gian này để nghỉ ngơi, làm những việc mà mình muốn mà chưa làm được; Tìm thêm hướng đầu tư mới… Thay vì nhắm vào các lĩnh vực mũi nhọn đang phát triển nên chú ý đến các chuyên ngành cần người có kinh nghiệm chuyên sâu.

Sự linh hoạt của Gen Z có khiến thế hệ này "thống trị" lực lượng lao động. Ảnh: Internet
Cái tôi lớn, sức ỳ cao, bảo thủ, dễ tự ái khi bị góp ý, ngại khó khi tiếp thu cái mới… cần được khắc phục. Lấy sự chín muồi về trình độ, kinh nghiệm trong ứng xử, sự chín chắn trong nghề nghiệp và tư duy làm thế mạnh... người lao động trung niên hoàn toàn có thể nắm bắt được cơ hội.
Suy cho cùng, người sử dụng lao động cần hiệu quả. Việc lựa chọn lao động ở độ tuổi nào tùy thuộc vào ngành nghề kinh doanh, tính chất, vị trí công việc mà doanh nghiệp quyết định.
Ai rồi cũng phải trải qua tuổi trung niên. Ngoài sự quan tâm của đối tượng này, vấn đề cũng mở ra cho những người trẻ cái nhìn thấu đáo, toàn diện hơn, với các phương án tích lũy đầu tư để đạt được tự do tài chính trước tuổi 40 nhằm không lâm cảnh “khủng hoảng tuổi trung niên”.