Nỗ lực giảm sở hữu chéo ngân hàng và bài toán giám sát dòng tiền
(DNTO) - Dù đã định danh được các "ông chủ" đang nắm giữ tỷ lệ sở hữu số lượng lớn cổ phiếu tại ngân hàng, giới phân tích cho rằng, điều quan trọng vẫn là khâu quản lý, giám sát dòng tiền từ vốn và tín dụng để giảm rủi ro và những tổn hại có thể xảy ra tại nhà băng đó.
Lộ diện loạt 'ông lớn' bất động sản nắm giữ vốn ngân hàng
Trước khi Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được ban hành trên thị trường tài chính, câu chuyện những cổ đông lớn của một số ngân hàng vẫn được nhắc đến dưới những mối quan hệ sở hữu chằng chịt, dưới nhiều hình thức khác nhau. Đã có trường hợp một nhóm cổ đông là những bên liên quan liên kết để sở hữu hơn 51% cổ phần vốn, nhằm tạo ra quyền lực mềm để thao túng hoạt động ngân hàng. Đại án Vạn Thịnh Phát là ví dụ điển hình...
Để chống thao túng ngân hàng, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã phải công bố thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7. Trong danh sách này hé lộ nhiều "đại gia" ngành bất động sản hoặc nằm trong hệ sinh thái đa ngành có bất động sản. Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực giảm sở hữu chéo và thao túng ngân hàng khi dễ dàng xác định được “ông chủ” thực sự đang nắm giữ số lượng lớn cổ phiếu ngân hàng, qua đó có những biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Cụ thể, mới đây Ngân hàng An Bình (ABBank) công bố danh sách gồm 19 cổ đông (16 cá nhân và 3 tổ chức) nắm giữ từ 1% vốn điều lệ ngân hàng trở lên. Công ty cổ phần Glexhomes - một doanh nghiệp trong hệ sinh thái Geleximco (doanh nghiệp bất động sản do ông Vũ Văn Tiền làm Chủ tịch HĐQT) nắm 4,43% vốn ABBank. Cổ đông tổ chức còn lại là Malayan Banking Berhad (Maybank) nắm giữ 16,39% vốn.
MSB cũng công bố một loạt công ty nằm trong hệ sinh thái của ROX Group (tiền thân là TNG Holdings) - một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản đang nắm lượng vốn lớn tại nhà băng này. Trong đó, ROX Key Holdings hiện nắm 2,43% vốn MSB và người liên quan nắm gần 1% vốn. Tương tự, Công ty Đầu tư và Cho thuê tài sản TNL nắm 1,08% vốn MSB và người liên quan công ty này nắm 1,87% vốn; Công ty Đầu tư xây dựng ROX Cons cũng đang nắm 1,87% vốn MSB.
Tương tự, tại HDBank, Công ty CP Sovico nằm trong hệ sinh thái Sovico Group của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, cũng đang nắm hơn 417,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 14,27% vốn điều lệ ngân hàng. Đây cũng là cổ đông duy nhất nắm trên 5% vốn theo công bố của HDBank.
Ngoài ra, một loạt ngân hàng khác như: OCB, Eximbank… cũng có những "ông lớn" trong ngành bất động sản nắm giữ cổ phần.
Công khai phải đi đôi với giám sát dòng tiền
Quy định công bố thông tin cổ đông nắm giữ từ 1% vốn trở lên sẽ giúp giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông và người có liên quan sẽ hạn chế khả năng thao túng ngân hàng của một nhóm lợi ích. Tuy nhiên, chuyên gia cũng lo ngại giảm tỷ lệ sở hữu cũng có thể tạo ra khó khăn trong quản trị ngân hàng. Nếu không có cổ đông lớn nào giữ vai trò dẫn dắt, ngân hàng có thể gặp khó khăn trong việc đồng thuận và đưa ra quyết định chiến lược.
"Việc kiểm soát sở hữu tại các ngân hàng là điều không dễ dàng. Bởi các ông chủ nắm quyền chi phối vẫn có thể "lách" bằng cách “ẩn mình” khi nhờ hoặc thuê người đứng tên hộ cổ phần. Do đó, phải có quá trình điều tra để nhận diện và xử lý các hành vi vi phạm chứ không chỉ dừng lại ở các quy định". TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho hay.
Tại Báo cáo điểm lại về kinh tế Việt Nam tháng 8/2024 với tiêu đề “Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn”, công bố ngày 26/8, WB khuyến nghị trên cơ sở một số chính sách cải cách gần đây, cần có những bước tiến quan trọng hơn để giảm rủi ro và những tổn hại có thể xảy ra trong lĩnh vực tài chính.
Một trong những hành động được khuyến nghị là tăng cường khung thể chế về giám sát an toàn, bao gồm việc phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh, đặc biệt từ mối quan hệ liên kết giữa ngân hàng với các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, điều quan trọng không hẳn nằm ở chỗ quản lý tỷ lệ sở hữu cổ phần ở mức trần nào tại ngân hàng, mà phải giám sát chặt chẽ dòng tiền từ vốn và tín dụng tại nhà băng đó.
Ông Hiếu chỉ rõ, kinh nghiệm và thực tế chung ở các thị trường cho thấy nhiều trường hợp ngân hàng có chủ sở hữu từ trên 65% nhưng quản lý rất hiệu quả, chất lượng tài sản tốt; có trường hợp cũng là ngân hàng gia đình và cũng đảm bảo được an toàn, minh bạch cao; mặt khác lại có trường hợp ngân hàng có cổ đông chia nhỏ, kinh doanh quản trị không hiệu quả, các cổ đông không thực sự gắn bó với hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
"Cơ quan chức năng cần thanh tra, siết chặt việc sở hữu chéo và có chế tài nghiêm nếu phát hiện vi phạm, cần công khai các vụ việc vi phạm để có tính răn đe", ông Hiếu nêu quan điểm.